Trái Đất đang ngày càng tiến gần “điểm giới hạn” nguy hiểm

Khi biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, Trái Đất ngày càng tiến gần hơn đến "điểm giới hạn" nguy hiểm, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu đến nhanh hơn và vượt quá khả năng của con người có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất.
Cảnh nắng nóng trên đường phố Los Angeles, Mỹ ngày 24/10.
Đây là cảnh báo của các nhà khoa học đang tham dự các cuộc họp ngày 13/11 trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) diễn ra tại thành phố Bonn của Đức.

Theo các nhà khoa học, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Trong 2 năm qua, nhiều bằng chứng cho thấy hành tinh này đang tiến gần đến "điểm giới hạn" trong hệ thống Trái Đất.
Nếu vượt qua ngưỡng vô hình này, Trái Đất sẽ mất kiểm soát và rơi vào tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng.
Một số nhà khoa học cho rằng bề mặt của hành tinh này đã nóng lên trung bình 1,1 độ C trong vòng 150 năm qua, đủ để làm tan băng ở Tây Nam Cực.

Ước tính, trong 1.000 năm nữa, các dải băng tại đây sẽ tan chảy một cách không thể kiểm soát bất chấp việc con người nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác cho rằng mức tăng nhiệt độ Trái Đất cao hơn, khoảng 1,5-2 độ C. Đây được cho là một "điểm giới hạn" nguy hiểm và không thể giảm xuống.

Việc Trái Đất nóng lên từ 1-3 độ C có thể khiến biển băng ở Bắc Cực biến mất vào mùa Hè, sự tan chảy băng liên tục tại đảo băng Greenland, nhiều rạn san hô và sông băng trên núi cũng bị biến mất.

Nếu Trái Đất nóng thêm 3-5 độ C, các cánh rừng lớn tại khu vực Amazon sẽ trở thành hoang mạc, làm chậm dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC), ảnh hưởng đến cường độ và tần xuất của hiện tượng El Ninos.

Tuy nhiên, việc Trái Đất nóng lên cũng có thể phủ xanh vùng Sahel khô cằn ở Bắc Phi.

Trong trường hợp nhiệt độ trung bình Trái Đất tăng hơn 5 độ C (điều này dường như không thể nhưng lại có thể xảy ra), thế giới sẽ chứng kiến sự tan băng tại Đông Nam Cực, điều khiến mực nước biển dâng cao hàng chục mét và khiến biển băng tại Bắc Cực biến mất vào mùa Đông.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục