Trái chiều doanh nghiệp sản xuất và thương mại thép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nửa đầu năm khó khăn, hoạt động sản xuất và bán sản phẩm thép có dấu hiệu hồi phục trong quý III, nhưng bức tranh tài chính giữa nhóm doanh nghiệp sản xuất và thương mại phân hoá mạnh.
Giá thép thanh chưa tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ thấp Giá thép thanh chưa tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ thấp

Doanh nghiệp sản xuất thép có dấu hiệu hồi phục

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong quý III/2023, ngành thép sản xuất 7,036 triệu tấn thành phẩm, tăng 5,7%; tiêu thụ 6.457 triệu tấn thành phẩm, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm là 20,179 triệu tấn và 18,978 triệu tấn, tương ứng giảm 13,3% và 10,8% so với cùng kỳ.

Mặc dù có tín hiệu hồi phục, nhưng Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều, mặc dù chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ ban hành, bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh quý III/2023 của nhóm doanh nghiệp sản xuất và thương mại thép nhìn chung suy giảm về doanh thu và phân hoá mạnh về lợi nhuận.

Thống kê 8 công ty hoạt động trong lĩnh vực thép đang niêm yết, quý III/2023 ghi nhận doanh thu giảm trung bình 19,1%, nhưng lợi nhuận tăng trung bình 66,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, 3 doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất thép gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán HPG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) và Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) đều có lãi trở lại, sau khi ghi nhận lỗ trong cùng kỳ (xem bảng). Điểm chung của 3 doanh nghiệp này là biên lợi nhuận gộp được cải thiện và chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm. Đặc biệt, Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim không còn kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ năm ngoái.

Đối với hai doanh nghiệp sản xuất thép khác là Công ty cổ phần Thép Pomina (mã chứng khoán POM) và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (mã chứng khoán TIS), quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận thua lỗ. Thép Pomina lỗ 110,4 tỷ đồng trong quý III (kinh doanh dưới giá vốn), luỹ kế 9 tháng đầu năm lỗ 647,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 707,5 tỷ đồng); Gang thép Thái Nguyên lỗ 58,5 tỷ đồng trong quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm lỗ 194,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 7,9 tỷ đồng).

Lý giải việc tiếp tục thua lỗ, Thép Pomina cho biết, do Nhà máy Thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động, nhưng phải gánh chịu nhiều loại chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Nhà máy Pomina 3 dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong quý IV/2023, ngay sau khi Công ty phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư. Ngoài ra, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm, chi phí cố định và lãi vay cao, dẫn tới lỗ lớn.

Tính đến cuối quý III/2023, Thép Pomina có tài sản ngắn hạn 3.345,1 tỷ đồng, nhưng nợ ngắn hạn lên tới 7.544,4 tỷ đồng.

Trước đó, tại báo cáo bán niên 2023, đơn vị kiểm toán lưu ý, tính đến cuối quý II/2023, Thép Pomina ghi nhận nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn gần 4.377 tỷ đồng, đồng thời có một số khoản nợ vay đã quá hạn với số tiền hơn 2.200 tỷ đồng, một số khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán hơn 922 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thương mại vẫn khó khăn

Quý III/2023, một số doanh nghiệp thương mại thép tiếp tục thua lỗ, trong khi doanh nghiệp sản xuất thép có lãi trở lại.

Đối với 3 doanh nghiệp thương mại trong lĩnh vực thép là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC), Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) và Công ty cổ phần Kim khí TP. HCM (mã chứng khoán HMC), khó khăn vẫn hiện hữu.

Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận lỗ 178,1 tỷ đồng trong quý III (kinh doanh dưới giá vốn), luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 lỗ 586 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 93,7 tỷ đồng). Theo đó, Công ty chuyển từ lãi luỹ kế sang lỗ luỹ kế lên tới 205,8 tỷ đồng, bằng 27,9% vốn điều lệ.

Ngoài ra, tính đến 30/9/2023, Đầu tư Thương mại SMC có 1.304,6 tỷ đồng nợ xấu trong các khoản phải thu của khách hàng và mới trích lập được 272,8 tỷ đồng; nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 428,7 tỷ đồng (5.007,2 tỷ đồng so với 4.578,5 tỷ đồng).

Tập đoàn Thép Tiến Lên có lãi 5,2 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 23,5% so với cùng kỳ và luỹ kế 9 tháng đầu năm lãi 16,5 tỷ đồng, giảm 86,5% so với cùng kỳ. Lãi phát sinh trong 9 tháng đầu năm nay chủ yếu là do lãi từ hoạt động bán chứng khoán và hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán, nếu loại bỏ hoạt động đầu tư chứng khoán, Công ty sẽ lỗ.

Tính tới 30/9/2023, Tập đoàn Thép Tiến Lên đầu tư 88,2 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, trích lập dự phòng 13,5 tỷ đồng (hồi đầu năm, Công ty đầu tư 105,6 tỷ đồng và trích lập 62,9 tỷ đồng). Trong đó, danh mục đầu tư gồm 12,02 tỷ đồng cổ phiếu NVL (trích lập 1,7 tỷ đồng), đầu tư 4,59 tỷ đồng cổ phiếu VIX (trích lập 0,7 tỷ đồng), đầu tư 5,56 tỷ đồng cổ phiếu IJC (trích lập 0,43 tỷ đồng) và đầu tư 66,06 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác (trích lập 10,6 tỷ đồng).

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục