Trách nhiệm từ lá phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chỉ diễn ra một lần trong một nhiệm kỳ, nhưng không vì thế, mà trách nhiệm của cả người bỏ phiếu lẫn người được lấy phiếu có thể “nhẹ nhàng” hơn.
Trách nhiệm từ lá phiếu

Sáng nay (23/10), Quốc hội Khóa XV bắt đầu Kỳ họp thứ sáu với bộn bề công việc, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Không nằm ngoài dự đoán, phần lớn các câu hỏi tại cuộc họp báo trước thềm Kỳ họp đều xoay quanh công việc đặc biệt này.

Đặc biệt là bởi trong 5 năm, việc đánh giá tín nhiệm chỉ diễn ra một lần duy nhất tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Mà, hai năm rưỡi qua, đất nước đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ, bởi đại dịch Covid-19, bởi những tác động khó lường từ bên ngoài dội tới và cả hạn chế nội tại.

Trong bối cảnh ấy, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống (những căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm) của mỗi người được lấy phiếu càng bộc lộ rõ ràng hơn. Ưu điểm dễ nhìn, hạn chế càng khó giấu.

Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân yêu cầu (nếu có).

Thời điểm ngày 19/10, báo cáo các nội dung trên (trừ báo cáo kê khai tài sản) của 44 vị được lấy phiếu (trong đó có Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước) đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Riêng bản kê khai tài sản, thu nhập của 44 vị sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội trong ngày Quốc hội khai mạc kỳ họp. Trong khi đó, theo chương trình dự kiến, việc lấy phiếu sẽ bắt đầu tiến hành từ 16h ngày 24/10. Vậy làm sao vỏn vẹn một ngày, các vị đại biểu có thể “thẩm định” được sự trung thực của các bản kê khai tài sản? Đó có lẽ không chỉ là câu hỏi của riêng phóng viên nghị trường.

Tất nhiên, cho dù báo cáo phục vụ lấy phiếu có đầy đủ đến đâu thì cũng không thể đủ để đánh giá tín nhiệm. Vì hai năm rưỡi qua, có những vị thuộc diện được lấy phiếu đã luôn gửi tới Quốc hội những bản báo cáo rất “đẹp”, nếu có hạn chế thì đều do nguyên nhân khách quan, trong khi các cơ quan của Quốc hội và cả Kiểm toán Nhà nước chỉ ra không ít hạn chế do nguyên nhân chủ quan. Ngược lại, có những vị hết sức thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục, đã được cả cử tri và đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Vì thế, những lá phiếu trách nhiệm không chỉ dựa vào một nguồn thông tin là các bản báo cáo, mà còn cần tham khảo ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, thông tin báo chí…

Ngoài ra, nếu có thông tin nào đó mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết phải làm rõ hơn, thì hoàn toàn có thể trực tiếp gửi văn bản yêu cầu người được lấy phiếu giải thích, hoặc gửi văn bản chất vấn, mà không cần chờ đến khi Quốc hội khai mạc kỳ họp.

Đó là trách nhiệm của người đánh giá tín nhiệm. Còn với người được đánh giá thì sao?

Lần này, các mức độ đánh giá tín nhiệm không có gì thay đổi so với những lần trước, vẫn ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Theo đó, khả năng dẫn đến hệ quả người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức hoặc bị trình bỏ phiếu tín nhiệm hay miễn nhiệm (trường hợp có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên) là rất rất thấp. Thực tế ba lần lấy phiếu tín nhiệm tại các nhiệm kỳ trước đều không có chuyện này.

Thế nhưng, từ những lá phiếu có đủ đầy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, thì nhìn vào mức độ đánh giá, các vị được lấy phiếu chắc hẳn cũng “thấm” hơn trách nhiệm của chính mình, dù là trong phát huy mặt mạnh hay khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Bên cạnh giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, thì mục đích của lấy phiếu tín nhiệm còn làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Bởi thế, trách nhiệm từ lá phiếu lại càng trở nên nặng hơn, trước cử tri và nhân dân cả nước.

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục