Trách nhiệm quản lý và quyền lợi cổ đông?

Chỉ cần điểm qua 2 trường hợp điển hình gần đây là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) và CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), một vấn đề đặt ra: phải chăng có lỗ hổng trong việc quản lý các doanh nghiệp niêm yết, hay có sự ưu ái? Và cuối cùng người thiệt hại là cổ đông nhỏ.
Dù đã bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng đến cuối tuần qua CP của DVD vẫn giao dịch bình thương Dù đã bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng đến cuối tuần qua CP của DVD vẫn giao dịch bình thương

>> Toàn cảnh vụ DVD

>> PVA: Câu hỏi lớn về phương án tăng vốn 

>> PVA trả lời về phương án phát hành  

Từ PVA đến DVD

 

Ngày 4/8, UBCKNN đã cấp giấy chứng nhận chào bán CP ra công chúng số 79/GCN-UBCK cho PVA tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Không cần phải có quá nhiều kiến thức cũng có thể thấy được sự thiếu thực tế trong kế hoạch của PVA.

 

Ngành bất động sản đang gặp hạn, TTCK cũng ảm đạm, một công ty bất động sản lại tính đường huy động vốn bằng cách phát hành CP cho cổ đông hiện hữu là bất khả thi. Chẳng lẽ UBCKNN lại không nhìn ra?

 

Còn nhớ trong mùa ĐHCĐ vừa qua, không ít DN đã chia sẻ rằng khả năng huy động vốn trong năm nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ không chỉ do yếu tố dòng tiền mà còn bởi UBCKNN sẽ siết rất chặt hoạt động phát hành. Nhưng nhìn vào trường hợp của PVA có vẻ ngược lại. PVA được ưu ái hay việc siết hoạt động phát hành của UBCKNN có vấn đề?

 

Hiện dự án phát hành này đã ngưng lại do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu báo chí không lên tiếng trước đó, liệu PVA có phải giải trình với UBCKNN hay không?

 

Khi sự việc PVA vẫn còn đang nóng, giới đầu tư lại bàng hoàng khi đón nhận thông tin Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD. Hàng loạt vấn đề bắt đầu nảy sinh ngay sau khi thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Được biết, ANZ đã nộp đơn này lên Tòa án Nhân dân TP. HCM từ ngày 10/5 nhưng không hề có công bố thông tin nào về việc này.

 

Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?

 

Vấn đề được đặt ra là tại sao cơ quan quản lý trực tiếp là HOSE và cao hơn là UBCKNN lại không hề biết? Cũng có cái lý khi các cơ quan này cho rằng theo quy định của pháp luật công ty đại chúng (DVD) có nghĩa vụ công bố, thông tin, song DVD lại không công bố cũng không thông báo cho HOSE.

 

Tuy nhiên, cần hiểu rằng sau khi ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD, bị bắt vì làm giá chứng khoán, DVD đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vì vậy, không thể trông chờ việc DVD công bố thông tin mình bị ngân hàng nộp đơn yêu cầu phá sản, điều này chẳng khác nào “lạy ông con ở bụi này”.

 

Thành thực mà nói, việc ngân hàng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp không phải là thông tin ở dạng “tuyệt mật”, các cơ quan quản lý nếu muốn biết cũng không có gì khó.

 

Chẳng hạn DVD chây ì trong việc nộp các loại báo cáo từ báo cáo thường niên cho đến BCTC từ cuối năm 2010 đến nay cũng rất đáng để đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”. Thậm chí đến cuối tuần qua CP DVD vẫn giao dịch bình thường.

 

Năm ngoái, một số chuyên gia đã tính toán rằng những cổ đông nắm giữ DVD đến thời điểm CP này giao dịch không hưởng quyền là ngày 8-9-2010 đã bị thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng. Sự mất mát này bắt nguồn từ việc điều chỉnh kỹ thuật giá của DVD để phục vụ cho đợt phát hành CP. Nhưng sau đó đợt phát hành đã bị UBCKNN đình chỉ do những sai phạm của DVD.

 

Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao UBCKNN không đình chỉ đợt phát hành của DVD trước ngày giao dịch không hưởng quyền?

 

Tại sao những sai phạm của DVD không bị phát hiện sớm hơn? Bên cạnh đó, gần 70 tỷ đồng tiền của NĐT đã nộp để mua CP do DVD phát hành nói trên cũng chưa được hoàn trả. Cuối năm 2010, UBCKNN đã có công văn yêu cầu DVD phải lên phương án và kế hoạch hoàn tiền cho NĐT nhưng xem ra không có nhiều tác dụng.

 

Và đáng lý UBCKNN có thể can thiệp sâu hơn để đòi quyền lợi cho cổ đông nhưng cuối cùng lại không thấy hành động gì. Đến lúc này, hy vọng lấy được tiền về của cổ đông gần như không còn. Với những trường hợp như của DVD, vốn dĩ cần sự cấp kỳ, dứt khoát của các cơ quan quản lý thì không thể đem luật ra ứng phó được, vì luật chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

 

Cổ đông nhỏ trắng tay

 

Tại thời điểm 30/6/2010, một số ngân hàng cho DVD vay nợ bao gồm NHTMCP An Bình với hơn 360 tỷ đồng, ANZ Việt Nam 95 tỷ đồng, HSBC Việt Nam 52 tỷ đồng, Indovina 44,45 tỷ đồng. Trong đó, An Bình còn làm cổ đông của DVD nhưng đã kịp thoát hàng gần 500.000 CP vào tháng 2 năm nay.

 

Theo tờ trình tại ĐHCĐ bất thường năm 2011, DVD đã đưa ra danh sách hàng loạt tài sản dự kiến thanh lý trong đó có quyền sử dụng đất của 29 lô đất từ Bắc chí Nam, Nhà máy sản xuất thuốc Lilly of France và CP Savifarm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ảm đạm như hiện nay, việc thanh lý các lô đất này không dễ.

 

Ngay cả nhà máy sản xuất thuốc cũng khó tìm được đối tác thích hợp đồng ý mua lại vì bên mua thường sẽ là những doanh nghiệp trong ngành. Và cho dù đối tác có chấp nhận mua, nhiều khả năng DVD cũng bị ép giá.

 

Giả sử trường hợp xấu nhất xảy ra, DVD không thể xây dựng phương án phục hồi hoạt động, tòa án sẽ ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Thứ tự phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo Luật Phá sản là: phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ và cuối cùng mới là cổ đông.

 

Sau sự kiện ông Lê Văn Dũng bị bắt, toàn bộ cổ đông tổ chức của DVD như Deustch Bank AG London, BI Private Equity New Markets II K/S… đã tiến hành xả hàng đồng loạt và đã hoàn tất. Như vậy, việc các cơ quan quản lý chậm trễ “thổi còi” DVD đã tạo cơ hội cho các cổ đông lớn đẩy “cục nợ” của mình sang các cổ đông khác.

 

Dù những NĐT mua vào DVD thời gian gần đây sẽ chỉ mua tầm vài nghìn CP để “thử thời vận” với những đợt sóng của thị trường, số tiền bỏ ra dành cho mỗi người không lớn, có lẽ chỉ tầm 10-15 triệu đồng. Nhưng nếu cộng gộp thì số tiền để “bắt đáy” CP này cũng không nhỏ. Với hiện trạng kiệt quệ hiện nay, việc những cổ đông nhỏ lẻ của DVD sẽ trắng tay khi công ty phá sản là rất cao.


Sài Gòn đầu tư

Tin cùng chuyên mục