Trách nhiệm của kiểm toán về số tiền mặt hơn 400 tỷ đồng tại JVC

(ĐTCK) Sự kiện nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) bị khởi tố đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Công ty cũng như giá cổ phiếu trên thị trường.
Số tiền mặt tại quỹ của JVC tại ngày 31/3/2015 chiếm tới 23% nguồn vốn và 17,4% tổng tài sản của Công ty Số tiền mặt tại quỹ của JVC tại ngày 31/3/2015 chiếm tới 23% nguồn vốn và 17,4% tổng tài sản của Công ty

Tuy nhiên, điều công chúng và NĐT băn khoăn hơn là liệu JVC có cần thiết phải để số tiền mặt lớn tới hơn 433 tỷ đồng tại quỹ (tại thời điểm 31/3/2015, theo BCTC 2014 đã kiểm toán)? ĐTCK đăng tải góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán về vấn đề này.

Theo BCTC riêng của JVC cho giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/3/2015, được kiểm toán bởi KPMG, tại ngày 31/3/2015, số dư tiền mặt của JVC là 433,55 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn so với nguồn vốn 1.866 tỷ đồng và tổng tài sản 2.488 tỷ đồng, chiếm tương ứng 23% nguồn vốn và 17,4% tổng tài sản của Công ty.

So sánh với mức trọng yếu thông thường được xác định từ 1 - 2% tổng tài sản, số dư tiền mặt tại quỹ này được xem là trọng yếu đối với kiểm toán viên.

Với đặc điểm lượng tiền mặt lớn, ngoài việc đòi hỏi phải có một không gian đủ lớn để chứa, công ty phải có những biện pháp phòng ngừa và khắc phục các rủi ro liên quan đến mất mát, trộm cướp, cháy nổ, chiếm dụng, biển thủ...

Trong điều kiện kinh doanh bình thường, công ty khó có lý do cần phải trữ lượng tiền mặt này tại quỹ, đây được xem là nghiệp vụ quan trọng, phát sinh ngoài quá trình kinh doanh bình thường của JVC.

Chuẩn mực kiểm toán số 240, trách nhiệm của kiểm toán viên quy định: “Khi thực hiện kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, kiểm toán viên chịu trách nhiệm đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng, liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không”, và khoản 9c: “Đối với các nghiệp vụ quan trọng phát sinh ngoài quá trình kinh doanh bình thường của đơn vị được kiểm toán, hoặc có biểu hiện bất thường theo xét đoán của kiểm toán viên sau khi đã tìm hiểu về đơn vị và môi trường hoạt động của đơn vị và các thông tin khác thu thập được trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu có lý do kinh tế phù hợp cho các nghiệp vụ đó hay không. Nếu không có lý do phù hợp, kiểm toán viên phải xem xét xem các nghiệp vụ này có được dàn xếp để lập BCTC gian lận hoặc che giấu hành vi biển thủ tài sản hay không”.

Vì thế, theo quy trình kiểm toán thông thường, với số dư tiền mặt tại quỹ lớn như vậy, kiểm toán viên sẽ tham gia chứng kiến kiểm kê quỹ tại ngày 31/3/2015 để đảm bảo rằng số dư này thực sự hiện hữu tại ngày này.

Bên cạnh đó, tiền mặt là khoản dễ bị mất mát, thất thoát, hoặc bị chiếm dụng, hay hỏa hoạn, kiểm toán viên sẽ phải có những biện pháp kiểm toán khác để đảm bảo rằng tại ngày ra ý kiến kiểm toán (ngày 15/5/2015), khoản tiền này vẫn còn tồn tại, thuộc sỡ hữu và kiểm soát của JVC.

Các biện pháp này có thể là: (1) tham gia chứng kiến kiểm kê quỹ tại ngày đưa ra ý kiến kiểm toán nếu số tiền mặt này vẫn còn giữ tại quỹ; (2) nếu số tiền này được gửi vào ngân hàng, kiểm toán viên sẽ kiểm tra sao kê và gửi thư xác nhận số dư với ngân hàng tại ngày đưa ra ý kiến kiểm toán; (3) nếu số tiền này được chi cho các chi tiêu khác, tuỳ theo từng loại nghiệp vụ chi tiêu mà có biện pháp kiểm tra phù hợp.

Thêm vào đó, việc giữ số lượng tiền mặt lớn, công ty cũng phải có những biện pháp phòng ngừa và khắc phục các rủi ro; nên kiểm toán viên cần kiểm tra các biện pháp phòng ngừa, khắc phục đó có hữu hiệu hay không.

Công chúng và các NĐT khi đọc BCTC riêng của JVC đều nhận thấy sự bất thường khi Công ty có khoản tiền mặt tại quỹ lên đến hơn 433 tỷ đồng và đặt câu hỏi rằng: liệu kiểm toán KPMG có thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán để xác minh sự tồn tại của khoản tiền mặt này tại ngày 31/3/2015 và xác định nó vẫn thuộc sự sỡ hữu, kiểm soát của Công ty đến ngày đưa ra ý kiến kiểm toán.

Theo quan điểm của người viết, số tiền mặt hơn 433 tỷ đồng, chiếm tương ứng 23% nguồn vốn và 17,4% tài sản của Công ty, với những rủi ro mất mát, trộm cướp, cháy nổ, biển thủ, chiếm dụng… có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty, khả năng thanh khoản, khả năng hoạt động liên tục, do vậy, kiểm toán viên phải lưu ý người đọc trong báo cáo kiểm toán về những bất thường và những rủi ro này.

Qua đó, NĐT có thể đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp, nhất là với những NĐT cá nhân bị hạn chế về mặt thông tin, không có cơ hội tiếp cận DN để đánh giá mức độ xác thực của những thông tin do DN cung cấp.

Có thể nói, báo cáo kiểm toán là cơ sở quan trọng để các NĐT đưa ra quyết định đầu tư. Do đó, trách nhiệm nghề nghiệp của kiểm toán viên không chỉ là với công ty khách hàng, mà với cả các cổ đông của công ty. Đưa ra ý kiến phù hợp để từ đó cổ đông của công ty có quyết định đúng đắn, tránh các tổn thất tài chính.

Phương Dung, CPA Australia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục