Trà Vinh - Nhiều tín hiệu lạc quan

(ĐTCK) Tăng trưởng GRDP tỉnh Trà Vinh năm 2024 ước đạt 10,04%, vượt kế hoạch đề ra (8,5%) và ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. Trà Vinh đã thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, GRDP đứng đầu toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 8 cả nước.
Cửa ngõ TP. Trà Vinh.

Tỉnh đã tập trung thực hiện các nội dung được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đẩy nhanh các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn; hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công dự án Hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé; bàn giao mặt bằng để thi công cầu Đại Ngãi.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh các dự án đầu tư để phát triển kinh tế biển, trọng tâm là các dự án năng lượng tái tạo, đầu tư thêm một số hạng mục giao thông hạ tầng Khu kinh tế Định An; triển khai thêm 4 dự án điện gió; phối hợp hỗ trợ dự án Hydro xanh, các dự án kho xăng dầu (Long Đức, Tân Sơn); hoàn thiện hồ sơ Tuyến đường hành lang ven biển, cầu Cổ Chiên 2...

Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực, từng bước nhân rộng một số mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn biến thị trường; hoàn thành hồ sơ trình Trung ương xem xét, công nhận tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024; triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp, giải pháp để nâng cao điểm số và thứ hạng các chỉ số PCI, PGI, PAPI, SIPAS, ICT Index, PAR Index. Kết quả, chỉ số PCI, SIPAS, PAR Index năm 2023 tăng điểm, tăng hạng so với năm 2022.

Trà Vinh cũng đã thực hiện hiệu quả các hoạt động liên kết vùng theo từng lĩnh vực như liên kết xúc tiến mời gọi đầu tư, thực hiện quy hoạch có tính liên kết vùng, tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết sàn thương mại điện tử, hợp tác xây dựng các công trình mang tính liên kết vùng, liên vùng.

Về phát triển đô thị, tỉnh triển khai Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các tiêu chí xây dựng TP. Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, thị trấn Tiểu Cần mở rộng, Cầu Ngang, Càng Long; vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh TP. Trà Vinh; chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng chỉnh trang đô thị.

Tỉnh đã phê duyệt 7/13 quy chế quản lý kiến trúc đô thị và 51/85 quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 33%, vượt mục tiêu đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị, gồm 1 thành phố loại II, 2 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V; tổng diện tích đô thị 369,95 km2, chiếm 15,47% diện tích toàn tỉnh.

Trà Vinh hiện có 3 khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Long Đức có tỷ lệ lấp đầy 100%. Tỉnh đang triển khai Khu công nghiệp Cổ Chiên, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Cầu Quan.

Huy Tự

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục