Cụ thể, Mông Thị Ngọc đã cho bà Nguyễn Thị Đ. vay 1,5 tỷ đồng và nhận sổ đỏ nhà đất diện tích 105 m2 tại thôn Lộc, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) đứng tên bà Đ. để làm tin. Hai bên thỏa thuận sau khi bà Đ trả hết tiền thì Ngọc sẽ trả lại sổ đỏ.
Do sổ đỏ chỉ đứng tên bà Đ, Ngọc yêu cầu bà Đ. lấy xác nhận của UBND xã Xuân Đỉnh với nội dung: ông Nguyễn Tiến H., chồng bà Đ. đồng ý để bà toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất.
Ngọc liên hệ với một Văn phòng công chứng (VPCC) nhờ tư vấn và làm hợp đồng ủy quyền với nội dung bà Đ. chuyển nhượng mảnh đất nói trên cho Ngọc với giá 100 triệu đồng, kèm theo đó là văn bản thỏa thuận: Ngọc giao cho bà Đ. 1 tỷ đồng trên tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, thời hạn trong 3 tháng/lần, sau 1 năm kể từ ngày ký văn bản này, bà Đ. có trách nhiệm phải thanh toán cho Ngọc theo thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất… Trường hợp bà Đ. không thanh toán được thì Ngọc có quyền sang tên đối với nhà đất nói trên. Bà Đ. và Ngọc cùng ký vào bản cam đoan, rồi Ngọc giao cho bà Đ. 1 tỷ đồng, 1 bản HĐ chuyển nhượng và 1 bản thỏa thuận.
Đến cuối tháng 5/2010, Ngọc đến Văn phòng đăng ký nhà đất huyện Từ Liêm làm thủ tục sang tên nhà đất theo HĐ chuyển nhượng. Khi làm thủ tục, Ngọc không xuất trình bản thỏa thuận nói trên nên Văn phòng nhà đất huyện Từ Liêm thấy hồ sơ đủ điều kiện và sang tên sổ đỏ Ngọc.
Có sổ đỏ, tháng 7/2010, Ngọc và chồng là Đỗ Mạnh Thắng đã làm thủ tục vay 5 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB), với tài sản thế chấp là mảnh đất diện tích 105m2 tại thôn Lộc, xã Xuân Đỉnh nói trên.
Khi bà Đ. trả tiền, đòi sổ đỏ không được thì nghi ngờ, đi kiểm tra thì mới phát hiện ra Ngọc đã đem “cắm” sổ đỏ cho VIB và có đơn tố cáo.
Khi sang tên sổ đỏ, Ngọc đã thuê một người đàn ông đến gặp công chứng viên ký, viết, điểm chỉ thay cho chồng bà Đ. Kết quả giám định cho thấy dấu điểm chỉ trên văn bản không phải là mẫu vân tay của chồng bà Đ.
Tại phiên tòa, bà Đ. khai, do cần tiền, nhưng chồng không cho thế chấp “sổ đỏ” nên bà đã giấu, đến khi bà trả tiền cho Ngọc thì chồng bà mới biết. Ông H. khẳng định ông không đồng ý cho vợ đem “sổ đỏ” đi thế chấp để vay tiền, đến tận tháng 1/2011 ông mới biết nên đã đem 600 triệu trả cho Ngọc. Ông H. đề nghị làm rõ ai đã giả mạo ông để ký HĐ ủy quyền?
Trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho Mông Thị Ngọc đưa ra hai quan điểm, thứ nhất là Ngọc không phạm tội, vì hai bên có lập hợp đồng chuyển nhượng nhà đất rõ ràng, do đó, việc Ngọc sang tên, rồi thế chấp là đúng, và không thể kết Ngọc tội lừa đảo. Thứ hai, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong khi đó, luật sư bảo vệ bà Đ. chứng minh, Ngọc là người nộp hồ sơ, đến nhận hợp đồng ủy quyền và ký sổ nhận hợp đồng ủy quyền, chứ không phải bà Điệp, chứng tỏ Ngọc đã làm thủ tục này. Đồng thời, nếu Ngọc không giấu bản cam kết với bà Ngọc đi thì không thể chuyển đổi “sổ đỏ” sang tên mình, cũng như vay tiền của ngân hàng được. Do đó, hành vi của Ngọc cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của Viện kiểm sát là có cơ sở…
Nhận thấy vụ án còn nhiều tình tiết chưa sáng tỏ, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề.