Bài 2: Đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua tái thiết DN
Đứng trước thách thức về con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) lên đến 43.200 tỷ yên, tháng 4/2003, Thượng viện Nhật Bản thông qua Luật về cơ quan tái thiết công nghiệp và ngày 8/5/2003, Cơ quan tái thiết công nghiệp Nhật Bản (IRCJ) chính thức hoạt động, nhằm hỗ trợ các DN hoạt động không hiệu quả, đang có những khoản nợ lớn, thông qua việc mua lại các khoản nợ của các TCTD và hỗ trợ tái thiết hoạt động DN.
Sau 4 năm hoạt động, IRCJ đã hỗ trợ tái thiết 41 DN lớn trong nền kinh tế Nhật Bản
IRCJ được tổ chức dưới hình thức CTCP, với vốn điều lệ là 50,5 tỷ yên, trong đó cơ quan Bảo hiểm tiền gửi nắm giữ 50% tổng số cổ phần phát hành, số cổ phần còn lại do các TCTD tư nhân tự nguyện góp vốn. Số vốn hoạt động của IRCJ chủ yếu thông qua vay vốn từ các TCTD và các tổ chức khác hoặc phát hành trái phiếu công ty (Chính phủ bảo lãnh).
Không như Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tự chủ động trong việc tìm kiếm DN tái cơ cấu gắn với xử lý nợ, IRCJ chỉ thực hiện tái thiết DN sau khi nhận đơn đề nghị của DN hoặc TCTD về tái thiết DN khách nợ (70 - 80% do TCTD đề nghị). Trên cơ sở đơn đề nghị, IRCJ phải nhanh chóng tiến hành xem xét, ra quyết định hỗ trợ tái thiết theo các tiêu chuẩn hỗ trợ tái thiết (do Bộ chủ quản ban hành) và thông báo kết quả này cho đơn vị gửi đơn đề nghị và các TCTD liên quan, đồng thời đưa ra thời hạn mua nợ và giá trị khoản nợ cần thiết để xử lý.
Sau khi có quyết định mua lại nợ, IRCJ sẽ thực hiện đàm phán với các TCTD để xác định giá mua nợ. Giá mua nợ bình quân của IRCJ chỉ từ 30 - 40% giá trị khoản nợ. Trong trường hợp TCTD không chấp nhận giá IRCJ đưa ra, thì trong vòng vài tuần, IRCJ sẽ công bố quyết định hủy bỏ tái thiết DN, lúc đó DN sẽ bị chuyển sang xử lý qua Tòa án.
Sau khi mua được nợ, IRCJ sẽ cử người xuống DN đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy điều hành của DN, từ vị trí cao nhất đến các cấp trung gian (cấp trưởng, phó phòng)… Bên cạnh đó, IRCJ sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính cho DN tái thiết thông qua hình thức xóa nợ, hoán đổi vốn - nợ (tổng giá trị nợ được xử lý tại 41 DN là 1.430 tỷ yên, chiếm bình quân 35% tổng khoản nợ vay). Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhằm hỗ trợ một số DN huy động vốn, IRCJ cùng với ngân hàng chính của DN tài trợ vốn (cho vay) hay bảo lãnh cấp vốn hoạt động theo cách hạn chế. Thời hạn để hoàn trả tiền vay trong trường hợp này không được quá 3 năm kể từ ngày IRCJ quyết định mua lại.
Đối với một số DN thua lỗ, IRCJ sẽ đưa ra phương án giảm vốn của DN, tương ứng với số lỗ hoặc thông qua việc sáp nhập cổ phần để đảm bảo số vốn của DN giảm về giá trị thực tại thời điểm đánh giá. Việc giảm vốn, sáp nhập cổ phần đồng thời tăng vốn để thực hiện phương thức hoán đổi vốn - nợ sẽ giúp đảm bảo tỷ lệ chi phối của IRCJ tại DN tái thiết.
Trong quá trình tái thiết DN, việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược cho DN cũng rất được IRCJ quan tâm. Theo quy định, trong vòng 3 năm, IRCJ phải thoái vốn khỏi DN, nên khi xây dựng phương án tái thiết DN, IRCJ phải đánh giá, xác định trong vòng 3 năm đó, DN có khả năng có nhà đầu tư quan tâm hay không, nếu không IRCJ sẽ từ chối thực hiện tái thiết DN. Trong trường hợp phương án xác định có nhà đầu tư quan tâm, nhưng sau 3 năm, nếu không tìm được nhà đầu tư, IRCJ sẽ áp dụng Luật đổi mới DN để thực hiện giải thể DN và thu hồi vốn (thông qua Tòa án).
Sau khi hoàn thành quá trình tái thiết DN, IRCJ sẽ thực hiện chuyển nhượng quyền thu nợ hoặc phần sở hữu (cổ phần). Kết quả, trong 4 năm hoạt động từ 2003 - 2007 (IRCJ giải thể năm 2007), tổ chức này đã hỗ trợ tái thiết 41 DN, ngân sách thu được 74,5 tỷ yên (thuế thu được 31,2 tỷ yên và 43,3 tỷ yên được phân chia sau khi thanh lý tài sản và giải thể IRCJ), cổ đông thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu 50,5 tỷ yên và 200 triệu yên tiền cổ tức và hoàn trả đầy đủ các khoản vốn huy động.
Sự thành công của IRCJ ngoài việc được bảo đảm về tính độc lập trong hoạt động, theo đuổi mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận và mục tiêu làm cho nền kinh tế tốt hơn; tái thiết DN tập trung và có lựa chọn, thì quan trọng nhất là IRCJ đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các công ty kế toán, công ty luật và chuyên gia tư nhân, không có xung đột về lợi ích. Ngoài ra, việc tổ chức dưới hình thức CTCP đã giúp IRCJ có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng lao động, chế độ tiền lương... để thu hút nhân sự tốt, đẩy nhanh quá trình tái thiết DN cho IRCJ (hoàn thành trước sớm 1 năm so với mục tiêu đề ra).
Xử lý nợ xấu thông qua tái thiết DN của IRCJ đã khơi thông được nút thắt của nguồn tài chính đang bị tắc nghẽn tại DN, giúp khơi thông được dòng chảy tín dụng cho nền kinh tế. Chính vì sự thành công của IRCJ, Nhật Bản đã tiếp tục thành lập một cơ quan tương tự IRCJ là Cơ quan hỗ trợ tái sinh DN (EICJ) vào năm 2009 để tiếp tục thực hiện xử lý nợ gắn với tái thiết DN. Với hiện trạng nợ xấu của Việt Nam hiện tại, việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN như Nhật Bản là một lựa chọn đáng tham khảo. Hướng đi này đang được Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện. Tuy nhiên, năng lực tài chính cũng như cơ chế cho hoạt động của đơn vị này còn khá hạn hẹp để có thể tạo dấu ấn sâu rộng hơn trong việc xử lý nợ thông qua tái thiết DN.
> Trả giá vì chậm phản ứng nợ xấu, bài học từ Nhật Bản (bài 1)