Điểm đ, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 về Quyền của cổ đông phổ thông quy định rằng: Cổ đông có quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác. Điều khoản này được giữ nguyên, không có gì bổ sung, sửa đổi so với Luật Doanh nghiệp 2005.
Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời cho đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, cổ đông và những người có công tác liên quan đến công ty cổ phần đều hiểu rằng, với quy định này, cổ đông được quyền yêu cầu công ty cung cấp danh sách cổ đông.
Điều này rất quan trọng với các cổ đông, nhất là trong trường hợp họ muốn liên kết các cổ đông để cùng kiến nghị một số vấn đề, đề xuất các nội dung thảo luận vào chương trình nghị sự của Đại hội cổ đông. Thậm chí, cùng liên kết để đề cử ứng viên, dồn phiếu cho ứng viên đó.
Cũng vì vậy, nhiều trường hợp, theo cổ đông phản ánh, cổ đông đã đến tận trụ sở công ty để xin danh sách cổ đông, nhưng doanh nghiệp gây khó dễ bằng những lý do như lãnh đạo đi vắng, không có ai ký vào bản sao, máy phô-tô trục trặc, hẹn hôm khác... Điều này khiến cổ đông nản lòng bởi không có điều kiện để đi lại nhiều lần. Chưa kể, với công ty có trụ sở chính không cùng địa phương với nơi ở của cổ đông thì rất khó để xin dược danh sách này.
Đơn cử, trong tranh chấp giữa cổ đông tổ chức Red River Holdings và Ban lãnh đạo của CTCP Everpia Việt Nam (EVE) vừa qua, Red River Holdings đã có văn bản gửi tới Chủ tịch HĐQT EVE đề nghị cung cấp danh sách cổ đông.
Công ty không từ chối yêu cầu của Red River Holdings, nhưng cũng không cung cấp ngay danh sách và đưa ra lý do rằng, do chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ nên rất bận bịu, vì vậy cần phải có thời gian chuẩn bị mới có thể gửi danh sách này cho Red River Holdings.
Đây là một dạng “vi phạm” về quyền cổ đông rất phổ biến, nhìn qua thì không có gì nghiêm trọng, chỉ là danh sách cổ đông mà thôi, nhưng sự ảnh hưởng của nó là không hề nhỏ. Bởi nếu không có danh sách này, cổ đông nhỏ rất khó để liên hệ, tập hợp đủ tỷ lệ nhất định - theo quy định của Luật Doanh nghiệp - để thực hiện các quyền khác.
Đáng lưu ý, trong một lần trao đổi giữa Đầu tư Chứng khoán và cơ quan quản lý, cơ quan quản lý cho rằng, cổ đông đã hiểu nhầm quy định này. Quyền xem xét, tra cứu, trích lục danh sách cổ đông là chỉ là với thông tin của chính cổ đông đó, không có nghĩa là doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ danh sách cổ đông của công ty.
Một nhà đầu tư cho biết, nếu “hên” gặp được doanh nghiệp “dễ tính” thì họ sẵn lòng cung cấp danh sách cổ đông. Ngược lại, nếu gặp doanh nghiệp “khó tính” và chỉ cho cổ đông tra cứu thông tin về chính cổ đông đó thì cũng đành chịu. Nhà đầu tư này cho rằng, căn nguyên là do Luật chưa rõ ràng, dẫn đến cách giải thích, cách hiểu thế nào cũng được. Cách hiểu cổ đông chỉ được quyền tra cứu thông tin chính mình là cách hiểu khá “tiêu cực”. Nếu hiểu như vậy, cổ đông khó tập hợp được các tỷ lệ theo như quy định. Vì vậy, theo nhà đầu tư này, cần niêm yết công khai danh sách này tại các cuộc họp ĐHCĐ.
Theo Luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật BASICO), cần phải hiểu rằng, cổ đông có quyền xem xét, tra cứu, trích lục toàn bộ thông tin trong danh sách cổ đông, bao gồm cả cổ đông khác. Nếu cho rằng thông tin sở hữu cổ phiếu của các cổ đông khác là các thông tin “nhạy cảm” nên không thể cung cấp là không chính xác.
Hơn nữa, nếu danh sách này chứa đựng thông tin cá nhân không thể công khai, thì phải xây dựng một quy chế quản lý, sử dụng danh sách này làm sao để các cổ đông đều có thể tiếp cận ở mức độ như nhau. Nhưng hiện nay, danh sách cổ đông được coi là loại tài liệu bình thường, phổ thông trong các công ty, các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc, hay nhiều nhân viên khác đồng thời là cổ đông của công ty đều dễ dàng tiếp cận và có thể sử dụng danh sách này để liên lạc với các cổ đông khác ngoài mục đích mời họp. Không loại trừ cả trường hợp dùng danh sách này để liên hệ, đề nghị mua lại cổ phiếu hoặc xin ủy quyền tham dự ĐHCĐ.