TPS: VN-Index có thể vượt 1.500 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2025, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, VN-Index có thể đạt 1.470 điểm, với định giá P/E mục tiêu là ngưỡng 15 lần. Thậm chí, chỉ số chung có thể tái lập vùng đỉnh trên 1.500 điểm.

Định giá đang ở mức hấp dẫn

Trong báo cáo Chiến lược năm 2025, TPS đánh giá, tính đến tháng 12/2024, P/E của VN-Index là 13,2 lần, đây là mức hấp dẫn với triển vọng phục hồi trong năm 2025 khi P/E trung bình 10 năm qua là 15,2 lần. Tương tự, P/B của VN-Index ở mức 1,69 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,15 lần của 10 năm gần nhất.

TPS dự báo, năm 2025, VN-Index có thể đạt 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng 10% và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15 lần, tương đương với mức trung bình 10 năm gần nhất.

Thậm chí, VN-Index có thể đạt 1.537 điểm, với P/E tăng 15%, khi các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, tạo động lực giúp ngành ngân hàng và tài chính có được lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Ngành tiêu dùng và bán lẻ sẽ được thúc đẩy bằng các chính sách thuận lợi cho tiêu dùng nội địa và ngành bất động sản cũng được kỳ vọng phục hồi từ nhu cầu thực tế và hỗ trợ từ chính sách pháp lý.

Ba kịch bản cho VN-Index

TPS xây dựng 3 kịch bản có thể xảy ra với VN-Index trong năm 2025.

Đối với kịch bản tích cực, VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.260 - 1.450 điểm (xác suất 50%). Ở kịch bản này, thanh khoản cải thiện là yếu tố quan trọng nhất để khẳng định được xu thế tăng đó liệu có bền vững. Những vùng nhà đầu tư có thể chờ đợi để giải ngân là tại các ngưỡng hỗ trợ như 1.280 điểm, 1.300 điểm. Nhà đầu tư nên chú ý đến những phiên giảm điểm mà thanh khoản không cao để có thể tìm cơ hội mua vào.

Đối với kịch bản cơ sở, VN-Index dao động vùng 1.180 - 1.300 điểm (xác suất 35%). Thị trường có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực bán khi các nhà đầu tư đã có lợi nhuận sau khi chỉ số chạm ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, các ngành mang yếu tố dẫn dắt có thể xuất hiện, giúp kéo lại chỉ số khi có cơ hội. Nhà đầu tư cần theo sát diễn biến dòng tiền và cổ phiếu để đưa ra quyết định phù hợp nhất; ưu tiên đầu tư ngắn hạn vì khi thanh khoản chưa đủ, các phiên biến động rung lắc sẽ rất dễ xảy ra.

Đối với kịch bản tiêu cực, VN-Index dự kiến dao động trong vùng 1.080 - 1.220 điểm, nếu những yếu tố vĩ mô xấu nhất xảy ra (xác suất 15%). Kịch bản này sẽ xuất hiện tình trạng bán tháo trên diện rộng và khối ngoại tiếp tục rút ròng.

Đồ thị tuần của VN-Index cho thấy, vùng dao động 1.180 - 1.300 điểm đã được VN-Index “tuân thủ” trong hầu hết năm 2024. Vì vậy, kỳ vọng thị trường sẽ không phá vỡ vùng giá 1.180 +/-20 điểm và VN-Index có thể tạo đáy quanh vùng này.

Một số rủi ro cần lưu ý

Rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần quan sát trong năm 2025 là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam suy giảm. Bên cạnh đó là tình hình địa chính trị thế giới bất ổn, hay việc Mỹ duy trì các chính sách hạn chế đối với Trung Quốc...

Trong nước cũng có 2 rủi ro. Thứ nhất, thị trường chứng khoán hiện có sự tập trung cao vào một số ngành như ngân hàng và bất động sản, nếu các ngành này không tăng trưởng như kỳ vọng, toàn bộ thị trường có thể bị ảnh hưởng. Thứ hai, việc nâng hạng thị trường nếu không diễn ra theo kế hoạch có thể làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục