TPP có phạm vi sâu, rộng hơn nhiều so với đàm phán trong khuôn khổ WTO trước đây. Tham gia TPP, Việt Nam được dự báo là một trong những nước có nhiều cơ hội, nhất là với những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày…, nhưng cũng có không ít thách thức để biến cơ hội thành lợi ích thực tế. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam nói chung và DN nói riêng?
TPP là một hiệp định có tác động cả cả về thị trường, DN và sức ép thay đổi thế chế, cải cách môi trường kinh doanh nói chung. Với “sân chơi” rộng hơn, điều kiện ngặt nghèo hơn, cơ hội lớn hơn thì cần phải có sự đồng hành của cả Chính phủ và DN trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tôi tin là trong điều kiện Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các biện pháp đổi mới thể chế, chúng ta sẽ tận dụng có hiệu quả cơ hội hội nhập mở ra lần này.
TPP là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu cắt giảm bằng không các loại thuế xuất nhập khẩu vào năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện, bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền… |
Chúng ta tham gia TPP khi kinh tế trong nước đang trải qua khó khăn kéo dài, liệu các DN có nắm bắt được cơ hội mở ra trong lúc này?
Trước hết, khó khăn hiện nay có nguyên nhân gốc rễ là sự bất hợp lý trong mô hình tăng trưởng tích lũy nhiều năm. Khi chúng ta hội nhập, gặp tác động bất lợi của kinh tế thế giới thì mọi yếu kém bộc lộ, đây là giai đoạn chúng ta phải trả giá vì mô hình tăng trưởng không hợp lý.
Tuy nhiên, khi đã nhận thức được yếu kém và hậu quả đã bộc lộ thì chắc chắn Chính phủ và cộng đồng DN có quyết tâm, đồng thuận và chương trình hành động để khắc phục. Cả Nhà nước và các DN đều phải chịu sức ép phải đổi mới từ nội tại và từ hội nhập. Sự cộng hưởng của hai yếu tố này sẽ dẫn đến chuyển biến mạnh mẽ của môi trường kinh doanh và mô hình tăng trưởng.
Cơ hội là rất lớn khi mà thị trường được mở rộng hơn, có cơ hội hưởng thuế quan 0%. Vấn đề là DN phải nắm bắt được cơ hội, phải buộc thay đổi bằng nỗ lực tự thân, không thể chỉ trông chờ sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Ngành dệt may được cho là sẽ hưởng lợi lớn khi Việt Nam tham gia TPP
Cũng có ý kiến cho rằng, TPP sẽ mang lại nhiều khó khăn cho hàng hóa Việt Nam, khi mà đòi hỏi nguyên liệu có xuất xứ từ các nước tham gia hiệp định chiếm 50 - 60%?
Ngay thời điểm hiện tại, DN Việt Nam sẽ khó khăn bởi quá trình xây dựng cơ sở nguyên phụ liệu công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất lớn cần có thời gian. Nhưng về dài hạn, DN sẽ chuyển biến và ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển để đáp ứng yêu cầu này.
Tôi đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế và do đó, có khả năng các cơ sở sản xuất phụ trợ ở các nước sẽ chuyển sang Việt Nam. Đây là cơ hội cho chúng ta thu hút FDI không chỉ ở khâu lắp ráp mà còn ở khâu sản xuất linh kiện phụ tùng - công nghiệp hỗ trợ, vừa đáp ứng yêu cầu xuất xứ vừa đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế.
Tôi nhận thấy đang có xu hướng các DN nước ngoài hướng dòng đầu tư vào Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu có chính sách tốt thì thu hút luồng vốn đầu tư này không khó.
“Đừng để phải kêu khó khi chuyện đã rồi” Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam TPP là một hiệp định sâu rộng, bao gồm cả quy tắc xuất xứ, mở cửa thị trường và đặc biệt là thuế quan cả cho hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN, ảnh hưởng khả năng phát triển hay tụt hậu của DN. Do đó, cần sự tham vấn trực tiếp của DN với sự hiểu biết sâu sắc về ngành nghề kinh doanh, đồng thời chuẩn bị đón nhận thuận lợi cũng như sức ép mà các hiệp định mang lại. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi thấy sự tham vấn của DN với đoàn đàm phán chưa hiệu quả. Đoàn đàm phán đã nhiều lần có lời kêu gọi DN tham gia hội nghị bên lề dành cho các bên liên quan, nhưng Việt Nam thì chỉ có ngành dệt may tham gia 4 vòng, da giày tham gia 3 vòng, các ngành khác ít có hoạt động tham vấn với đoàn. Các DN cần chủ động cao hơn, vì đây là yếu tố ảnh hưởng dài hạn. Tránh tình trạng khi hiệp định có hiệu lực, phát sinh khó khăn, lúc đó mới phát biểu, nhận xét và khi đó đã không thể thay đổi. Riêng với ngành dệt may, qua các vòng đàm phán chúng tôi theo dõi thì các bên đang thỏa thuận về quy tắc xuất xứ của hàng hóa, đặc biệt là tỷ lệ nguyên liệu xuất xứ nội khối TPP. Với cách làm, cách tiếp cận như thế, đó là hướng đi tạo sự phát triển bền vững cho ngành dệt may. Trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, đến nay chúng ta chủ động hoàn toàn năng lực sản xuất sợi. Nếu nguyên tắc xuất xứ là “từ sợi”, tức là mọi công đoạn của sản phẩm từ sợi, dệt, vải, cắt may… đều yêu cầu phải có xuất xứ từ các nước thuộc khối TPP thì chúng ta đảm bảo đủ lượng sợi sản xuất trong nước. Hiện đang tập trung chuẩn bị cho khu vực dệt kim, dệt thoi để có tỷ trọng nguyên liệu vải cho ngành may tốt hơn. Đến hết năm 2013, khả năng tỷ lệ nội địa hóa là 52% cho cả nước. Với tác động hiệu ứng của TPP thì đến năm 2015, chắc chắn chúng ta vượt trên 60% tỷ lệ nội địa hóa. |
>> Được, mất từ TPP đều do Việt Nam
>>Dệt may toan tính với bài toán TPP