TP.HCM xây thêm “tổ” đón “đại bàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đưa quỹ đất hàng trăm héc-ta vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp, TP.HCM đang nỗ lực khắc phục điểm yếu lâu nay trong thu hút nhà đầu tư lớn.
Khu công nghiệp Hiệp Phước còn quỹ đất 320 ha nhưng đang vướng mắc pháp lý. Khu công nghiệp Hiệp Phước còn quỹ đất 320 ha nhưng đang vướng mắc pháp lý.

Mất cơ hội vì thiếu quỹ đất

Sau khi “đại bàng” Intel Products Việt Nam về “làm tổ” tại Khu công nghệ cao TP.HCM, với tổng vốn đầu tư sau hai lần đăng ký đạt gần 1,5 tỷ USD, đến nay, Thành phố chỉ đón thêm một doanh nghiệp FDI lớn khác là Samsung. Năm ngoái, Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD, giúp TP.HCM có dự án góp mặt trong Top 5 dự án FDI lớn nhất năm 2022 trên cả nước.

Hiện tại, TP.HCM vẫn nằm trong Top đầu các địa phương thu hút tổng vốn FDI cả nước, song gần đây, vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố có dấu hiệu chững lại. Năm ngoái, tổng giá trị vốn FDI đăng ký đầu tư vào địa phương đạt 4,33 tỷ USD, chỉ tương đương 60,29% năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 có cải thiện hơn, khi đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ.

Số vốn FDI tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 tại TP.HCM là hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp khi có đến 1.089 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, với vốn góp là 2,2 tỷ USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, dù vốn FDI vào TP.HCM có cải thiện trong 6 tháng đầu năm nay, song một thực tế là các dự án tỷ USD đang có xu hướng chọn những địa phương khác để đầu tư. Giai đoạn 2017 - 2021, Top 5 dự án lớn nhất hàng năm thường phân bổ ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, hoặc vài tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trong suốt giai đoạn này, chỉ năm 2019, TP.HCM có 2 dự án trong Top 5, nhưng giá trị rót vốn là 650 triệu USD (Techtronic Tools) và 300 triệu USD (Wanna Explore Travel). Hiện đang có một doanh nghiệp công nghệ cao xúc tiến tìm hiểu đầu tư vào Thành phố, với quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD.

TP.HCM đang xây dựng Đề án thu hút vốn FDI giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới nhà đầu tư chiến lược (rót vốn từ 30.000 tỷ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỷ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo). Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đến năm 2025, địa phương này kỳ vọng thu hút trên 50 dự án công nghệ cao, với ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD.

Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của 17 nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023 - 2025. Nhóm này gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga, Anh, Mỹ.

Tham vọng lớn nhưng khả năng thu hút vốn FDI của TP.HCM đang gặp một số thách thức. Trong đó, thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư lớn cho các ngành nghề mới là một trong những thách thức lớn.

Hai khu công nghiệp mới khi đi vào hoạt động sẽ giải được cơn khát mặt bằng sản xuất trong nhiều năm qua, giúp Thành phố có thêm quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza)

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, trong nhiều năm, khó khăn lớn nhất của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố là thiếu quỹ đất phục vụ nhà đầu tư có nhu cầu xây nhà máy lớn.

Thực tế, hơn 10 năm nay, Thành phố không có khu công nghiệp mới nào. Đó cũng là lý do một số nhà đầu tư lớn đã chọn Đồng Nai, Bình Dương, Long An để đặt nhà máy.

Đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cũng đánh giá, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư tại Thành phố là thiếu quỹ đất. Riêng trong năm nay, Thành phố có 46 ha đất cho thuê, song quỹ đất này nằm rải rác, manh mún ở nhiều quận, huyện, chứ không phải một khu đất tập trung.

Trong khi đó, Thành phố vẫn còn một số quỹ đất khu công nghiệp chưa được tháo gỡ vướng mắc, đơn cử như Khu công nghiệp Hiệp Phước còn 320 ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi còn hơn 100 ha.

“Nếu chúng ta không xử lý được điểm nghẽn về đất thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể thu hút đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.

Giành lại lợi thế

Trên thực tế, tình trạng cạn kiệt quỹ đất sạch cho công nghiệp ở TP.HCM đã được cảnh báo từ lâu, song gần đây trở nên căng thẳng hơn khi nhiều đối tác nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước tìm kiếm những khu đất đủ lớn để đặt nhà xưởng sản xuất nhưng không có. Trong khi đó, một số khu công nghiệp được quy hoạch nhưng lại khó triển khai thực hiện.

Vì thế, hồi đầu năm nay, ba khu công nghiệp Bàu Đưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng đã được Chính phủ cho phép loại khỏi quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam, đồng thời bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai II (289 ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.

Ông Trần Việt Hà cho biết, đến nay, hơn 10 nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đã đăng ký tham gia làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu công nghiệp nói trên; trong đó, có những tên tuổi quen thuộc như Logos, Techtronic Industries, Goldman Sachs, Einhell, Quantum…

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đưa Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II vào quy hoạch, Hepza đã đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đưa hai dự án vào Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đưa hai khu công nghiệp này vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Hà kỳ vọng, hai khu công nghiệp mới này khi đi vào hoạt động sẽ giải được cơn khát mặt bằng sản xuất trong nhiều năm qua, giúp Thành phố có thêm quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời khu vực phía Tây sẽ hình thành chuỗi khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) và các khu công nghiệp Tân Ðô, Tân Ðức, Hạnh Phúc (huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An)..., tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm, tăng liên kết giữa các khu công nghiệp, hỗ trợ nhau trong quá trình thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động.

Cùng với việc tăng quỹ đất, báo cáo mới đây của UBND TP.HCM cho thấy, địa phương này đang ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, tạo thêm quỹ đất công nghiệp cũng như tập trung triển khai đào tạo nhân lực, xây dựng chính quyền số...

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phân tích, Thành phố đang có những công cụ để có thể thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là công cụ về quy hoạch.

“Tinh thần của lãnh đạo Thành phố trong chính sách thu hút vốn FDI là hướng đến và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư đã và đang hoạt động trên địa bàn. Còn về công cụ, Thành phố đang có những quy hoạch với tiêu chí coi trọng liên kết vùng. Hiện một loạt dự án giao thông liên vùng như dự án đường Vành đai 3, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... đang được triển khai”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh, giao thông đi trước, công nghiệp đi sau và chính sách hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, thu hút vốn FDI.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục