Xác định lại các ngành công nghiệp ưu tiên
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM đánh giá, trong năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo tín hiệu thị trường. Chỉ số Sản xuất công nghiệp năm 2020 giảm khoảng 4% so với năm 2019, nhưng giá trị gia tăng đạt 268,896 tỷ đồng, tăng 0,47% so với năm 2019.
Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo; điện tử; hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm) ước tăng 0,5%. Chương trình Kích cầu đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiêp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã đổi mới thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Những năm gần đây, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM có những bước phát triển tích cực với tỷ trọng đóng góp giá trị sản xuất tăng từ 54,11% (năm 2013) lên 67,74% (năm 2017) trong toàn ngành công nghiệp; tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng tăng từ 54,52% (năm 2013) lên 65,43% (năm 2017).
Song nhìn nhận một cách khách quan, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân được ông Đông chỉ ra là: “Do chi phí đầu tư cho sản xuất công nghiệp ngày càng tăng; quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế…”.
Từ thực tế này, các ngành chức năng TP.HCM đề xuất xác định lại những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Đi cùng với đó, cần có những giải pháp như rà soát, bố trí quỹ đất cho phát triển công nghiệp; hỗ trợ vốn và đổi mới công nghệ; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; phát triển thị trường xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực…
Hướng tiếp cận mới
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, phát triển công nghiệp không nên bó gọn trong 4 ngành trọng yếu, mà cần dựa trên 4 trụ cột chính là: phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng.
Ngoài ra, hướng tiếp cận phát triển mới cho các ngành kinh tế của TP.HCM là đổi mới sáng tạo, thiết kế môi trường phát triển đồng bộ theo quan điểm không tập trung vào một ngành cụ thể, mà chủ yếu là xây dựng hệ sinh thái cho tất cả các ngành cùng cạnh tranh và phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0…
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mới đây, chính quyền Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa năm 2021.
Điểm nhấn của Kế hoạch là triển khai các giải pháp kích cầu đầu tư dự án ngành cơ khí - tự động hóa, trong đó có việc xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình Kích cầu đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách ưu đãi mới, đột phá dành riêng cho các đối tượng thực hiện các giải pháp, đề án, dự án ngành cơ khí - tự động hóa của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030.
Ngoài ra, TP.HCM còn có kế hoạch thực hiện Đề án Chuỗi sản xuất sản phẩm, phụ tùng cho ngành chế tạo máy móc, thiết bị tự động phục vụ các ngành công nghiệp.
Cũng dịp này, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cao su - nhựa Thành phố năm 2021 và Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020 - 2030…
“Định kỳ 3 tháng, các thành viên Hội đồng Phát triển ngành cơ khí, cao su - nhựa, chế biến lương thực, thực phẩm và các đơn vị chủ trì thực hiện các giải pháp, đề án, dự án được giao tại Kế hoạch; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện”, ông Hoan yêu cầu.