Ngày 27/3, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị lần thứ 28 (mở rộng), để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố quý I/2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dành thời gian để nói về kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ giải pháp của quý II và cả năm 2024.
Nhận định về tình hình kinh tế -xã hội quý I/2024, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, song tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) quý I ước tăng 6,54%.
Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị -Ảnh: TTBC |
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua. Còn tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 12,2%, cũng là mức tăng cũng cao nhất kể từ năm 2021 đến nay.
"Mức tăng trưởng này đúng với dự báo của Thành phố và là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, kể từ năm 2020 đến nay. Điểm sáng của kinh tế Thành phố trong quý I/2024 là nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tăng khá, nhất là nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, hoạt động du lịch khởi sắc" ông Nên đánh giá.
Dù kinh tế có nhiều điểm sáng nhưng Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, các động lực tăng trưởng của Thành phố chưa đạt như kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn còn yếu. Đặc biệt là việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu đặt ra, vấn đề cải cách thủ tục hành chính chưa có nhiều chuyển biến.
Các yếu tố hạn chế khác như cạnh tranh thu hút đầu tư FDI, giá thuê đất, chi phí logistics, hạ tầng còn yếu nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư nên đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/3 Thành phố chỉ thu hút được 459,6 triệu USD vốn FDI, giảm 7,61% so với cùng kỳ.
Thảo luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, để cải thiện các chỉ số tăng trưởng, cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các thị trường, tháo gỡ các khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp.
Để tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ, thương mại dịch vụ, ông Vũ cho rằng, Thành phố cần có các chương trình kích cầu cho doanh nghiệp, khai thác tốt thị trường nội địa để tăng kênh bán hàng.
Về giải pháp hỗ trợ về thuế, Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú đề xuất cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp về thuế để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Ông Phú cũng đề xuất, Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá tài sản công để tạo nguồn thu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị chính quyền Thành phố tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, kịp thời triển khai các quy định mới.
Ông Nên đề nghị trong quý II/ 2024, UBND TP.HCM kịp thời triển khai thực hiện các quy định mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực y tế, đất đai, xây dựng, trái phiếu, bất động sản, du lịch...
UBND TP.HCM tập trung ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng đã xác định từ đầu năm như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...Trong thu hút đầu tư cần chú trọng thu hút có chọn lọc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án thân thiện với môi trường.
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu, UBND Thành phố giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó chú ý hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi cung ứng.
Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, người đứng đầu Thành ủy đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, không làm đúng, làm tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.