Thiếu đất
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, trong năm 2021, Hepza đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.
Cũng theo ông Hưng, năm 2020, Hepza đã thu hút hơn 760 triệu USD vốn đầu tư, vượt 52% kế hoạch và tăng hơn 17% so với năm 2019. Song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp giảm 7,26% so với năm trước do ảnh hưởng của Covid-19. Các dự án FDI mới được cấp phép phần lớn là của các nhà đầu tư tăng vốn cho dự án hiện hữu hoặc đã có dự án tại Việt Nam.
“Trong năm nay, thu hút vốn FDI tiếp tục gặp khó khăn do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước, làm hạn chế đi lại của nhà đầu tư và suy giảm kinh tế toàn cầu”, ông Hưng dự báo.
Đây chưa phải là khó khăn duy nhất, bởi với riêng TP.HCM, câu chuyện về thiếu đất sạch, giá thuê cao… là vấn đề khá nóng thời gian gần đây.
Cụ thể, theo thông tin từ Hepza, quỹ đất sạch sẵn sàng để thu hút đầu tư trong năm nay chỉ còn 120 ha (mấy năm trước, quỹ đất trung bình hàng năm khoảng 500 ha), số diện tích thực cho thuê để phát triển công nghiệp chỉ khoảng 80 ha.
Thực tế, để thu hút được các dự án có quy mô vốn lớn thì yêu cầu quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại một khu công nghiệp phải lớn, song hiện nay tại các khu công nghiệp của thành phố chỉ còn một khu với diện tích vỏn vẹn 5 ha.
Cũng theo đại diện Hepza, giá thuê đất cao cũng là một rào cản trong thu hút đầu tư của TP.HCM. Hiện giá thuê đất trung bình tại các khu công nghiệp khoảng 180 - 200 USD/m2/chu kỳ thuê (giá thuê đất trung bình cách đây khoảng 1 năm chỉ ở mức 140 - 160 USD/m2/chu kỳ thuê).
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn thận trọng với Covid-19 và chưa quyết định rót vốn. Còn các doanh nghiệp thuê nhà xưởng xây sẵn tại khu công nghiệp thường có quy mô vốn đầu tư nhỏ, nên tổng vốn thu hút được sẽ khó ở mức cao. Các dự án có vốn lớn không mặn mà với việc thuê các khu nhà xưởng xây sẵn.
Lên kịch bản ứng phó
Chia sẻ về các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, ông Hưng cho biết, Hepza sẽ tham mưu chính quyền Thành phố các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền, tiến tới thành lập và từng bước đưa vào khai thác Khu công nghiệp Phạm Văn Hai theo định hướng kỹ thuật cao và Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn III) chuyên ngành dịch vụ cảng và logistics.
Triển khai xây dựng 20.000 m2 nhà xưởng cao tầng; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trong đó phấn đấu thực hiện cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử cấp độ 3 đạt 20%; 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Hepza đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4.
Người đứng đầu Hepza cũng cho biết, năm 2021, đơn vị đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu công nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.
Chẳng hạn, ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, các ngành có ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ như thiết bị điện tử, phần mềm, vi mạch, robot... Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, trong đó chú trọng vào việc xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn và nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng việc thu hút đầu tư trong bối cảnh quỹ đất cho công nghiệp ngày càng hạn hẹp.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm thâm dụng lao động; chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu. Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để bảo vệ môi trường bền vững, phù hợp với sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao”, ông Hưng nói.
Cùng với đó, Hepza cũng chú trọng công tác tạo quỹ đất để sẵn sàng thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp sạch, xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng...