TP.HCM: Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn

0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng trên địa bàn đã xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN). Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN).

Tại họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề về kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/6, các cơ quan chức năng đã thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu-Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng Cảnh sát Giao thông đang thực hiện xử phạt vi phạm hành chính bằng hai hình thức.

Hình thức đầu tiên là xử lý qua việc phát hiện trực tiếp do lực lượng Cảnh sát Giao thông ghi nhận được; hình thức tiếp theo là xử lý bằng hình ảnh ghi lại từ hệ thống camera giám sát, hình ảnh từ cá nhân, tổ chức cung cấp...

"Đối với việc xử phạt qua hình ảnh, chủ phương tiện vi phạm sẽ nhận được giấy thông báo kèm hình ảnh vi phạm. Lực lượng Cảnh sát Giao thông không thông tin qua email hoặc điện thoại. Đây là thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để tiếp cận người dân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản," ông Lê Mạnh Hà khẳng định.

Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng trên địa bàn đã xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Qua điều tra, lực lượng Công an nhận thấy, một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia.

Sau khi tiếp nhận sự việc, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện thời gian tới. Theo đó, việc kiểm tra, xử lý sẽ được tổ chức hằng ngày, đặc biệt là vào ban đêm.

Ngoài ra, theo ông Lê Mạnh Hà, sau hơn một năm triển khai, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 31 trang mạng xã hội của các đơn vị sự nghiệp cấp phòng, quận, huyện và 131 trang mạng xã hội của Công an cấp phường, xã.

Các trang mạng xã hội này đã hỗ trợ hơn 60.000 lượt tra cứu thông tin phương tiện vi phạm qua hình ảnh cùng hơn 10.000 lượt truy cập dịch vụ công trực tuyến như nộp phạt, đăng ký xe.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tiếp nhận, hướng dẫn, trả lời hơn 270.000 câu hỏi của người dân qua mạng xã hội cùng 3.000 tin báo liên quan an ninh, trật tự.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục