Nhiều vướng mắc tồn tại…
Trước đó, báo cáo Ủy ban Tài Chính Ngân sách, UBND TP.HCM cho hay, năm 2021, với các nỗ lực, giải pháp mà các ngành, các cấp thành phố đã thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương của TP.HCM đạt là 85,27% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2021, chưa đạt yêu cầu.
Sang năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP.HCM khoảng 33.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 25/4, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trên mới được 8%, tương đương khoảng 2.800 tỷ. Đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm trong khi, dấu hiệu kinh tế phục hồi và bắt đầu đi lên.
UBND TP.HCM cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm bởi Thành phố phải tập trung nguồn lực ngân sách để phục vụ công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân.
Song song đó, quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA của Chính phủ và nhà tài trợ chưa hài hòa, còn tồn tại những sự khác biệt chậm được xử lý đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình và dự án ODA...
Nguyên nhân chậm trễ là do một số vướng mắc, chưa thống nhất trong các quy định liên quan vốn đầu tư công, vốn nước ngoài, giữa quy định pháp luật liên quan quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài với chính sách của các nhà tài trợ nước ngoài.
Mặt khác, giá đất trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM có sự biến động mạnh trong khi quy trình thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng còn phức tạp và kéo dài, dẫn đến phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được phê duyệt nhưng khó khả thi trên thực tế, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Điều này dẫn tới các dự án có vốn đầu tư công bị ách tắc.
Nguyên nhân chủ quan cũng được đề cập là do số lượng và năng lực cán bộ tham gia quản lý và thực hiện tham mưu trong lĩnh vực đầu tư công (đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA) còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu của TP.HCM.
Năng lực của một số nhà thầu, các nhà tư vấn trong nước và quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chuyên gia tư vấn nước ngoài thiếu kinh nghiệm và chưa am hiểu tình hình thực tế Việt Nam…
Điều chuyển vốn sang dự án có khả năng giải ngân cao
Ông Phan Văn Mãi-Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm đặc biệt trong 4 tháng đầu năm là đáng lo ngại. Vì vậy, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động giải quyết khó khăn, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay UBND thành phố để xem xét, tháo gỡ.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố, các chủ đầu tư trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về thanh toán, quyết toán giá trị công trình và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; Theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách; báo cáo ngay với UBND TP.HCM tình trạng các nhà thầu triển khai chậm trễ, không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ, không thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
“Căn cứ tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải có kế hoạch điều chuyển vốn của các dự án có năng lực giải ngân thấp, sang dự án có khả năng giải ngân cao trong năm, đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao và giải ngân có hiệu quả”, ông Mãi yêu cầu.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND TP.HCM cũng đề xuất Quốc hội cho phép ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ thì Thành phố được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
UBND TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án xã hội hóa; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc khó khăn của các dự án PPP về thẩm quyền phê duyệt dự án nằm giữa 2 tỉnh, bổ sung quy định cho các hợp đồng BT đã ký được xử lý chuyển tiếp...
TP.HCM có 4 Dự án ODA được phê duyệt trước Luật đầu tư công 2014 thuộc tiêu chí Dự án quan trọng quốc gia.
Dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 89,21%. Năm 2022 vốn ODA đã giải ngân 56.845 triệu đồng, đạt tỷ lệ 1,91% kế hoạch, vốn đối ứng đã giải ngân 36.499 triệu đồng, đạt tỷ lệ 5,88% kế hoạch.
Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 3,9%, năm 2022 vốn ODA giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch, vốn đối ứng đã giải ngân 28.000 triệu đồng, đạt tỷ lệ 7,11% kế hoạch.
Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ -Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 86,78%, năm 2022 vốn ODA giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch, vốn đối ứng: giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch.
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2, tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 59% năm 2022 vốn ODA giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch, vốn đối ứng đã giải ngân 14.000 triệu đồng, đạt tỷ lệ 6,36% kế hoạch.