Chiều 23/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và kết quả ngày đầu giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”.
Thông tin tại cuộc họp về tình hình y tế, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo cho biết, trong ngày 22/8 Thành phố đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 52.212 người, số lượng cộng dồn qua 5 đợt tiêm là 5.447.056 người.
Về công tác xét nghiệm Covid-19 trong 24 giờ qua (từ 18g 21/8/2021 đến 18g 22/8/2021), tổng số 115.360 người được xét nghiệm. Trong đó có 53.095 người được làm test nhanh kháng nguyên, 62.265 người được làm xét nghiệm PCR.
Việc thành lập các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115 đã được UBND Thành phố ban hành quyết định 2811/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 về thành lập trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến tại 05 Khu vực trên địa bàn TP.HCM.
|
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải phát biểu tại họp báo. (Ảnh: TTBC TP.HCM) |
Trả lời câu hỏi về việc người dân muốn đi mua thuốc trong giai đoạn hiện nay thì sẽ như thế nào?. Ông Phạm Đức Hải cho biết, các tiệm thuốc Tây vẫn mở nhưng người dân không tự đi mua, Tổ công tác đặc biệt của mỗi phường, xã sẽ giúp người dân đi mua thuốc.
Trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh lý thông thường (không phải Covid-19), người dân có thể tự đến bệnh viện để chữa trị. Hiện nay các bệnh viện vẫn đang thực hiện mô hình chia đôi, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa điều trị bệnh nhân có bệnh lý khác.
Riêng đối với người bệnh nhiễm Covid-19 thì liên hệ với Tổ phản ứng nhanh, Trạm y tế lưu động hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn, tư vấn. Về việc di chuyển, hiện Thành phố có 500 xe taxi của hãng Mai Linh và Vinasun được hoạt động phục vụ cấp cứu cho người dân, người dân có thể gọi 2 hãng xe này khi cần tới bệnh viện cấp cứu
Còn đối với trường hợp bệnh nhân F0 chuyển nặng, Thành phố có 260 xe của Phương Trang được phân bổ về 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ trở người bệnh tới bệnh viện.
Về tình hình giao thông trong ngày đầu thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, từ 0 giờ ngày 23/8, lượng phương tiện, nhất là xe mô tô ra đường giảm khoảng 85% với ngày 22/8.
Cùng ngày, để đảm bảo không để trùng lặp giữa các cơ sở y tế trong việc cấp giấy đi đường cho các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế, người bảo trì sửa chữa trang thiết bị y tế và đảm bảo việc thực hiện giãn cách xã hội, Sở Y tế sẽ điều chỉnh việc cấp giấy đi đường cho một số nhóm đối tượng.
Cụ thể, các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ cho các cơ sở y tế khẩn trương lập danh sách nhân viên của đơn vị mình quản lý gửi về Sở Y tế đề xuất cấp giấy đi đường, số lượng từ 5-7 người cho 1 đơn vị tùy theo mô hình hoạt động và nêu rõ tên cơ sở y tế được cung ứng trong giai đoạn giãn cách.
Các trường hợp đặc biệt khác như đơn vị cung ứng oxy, cung ứng và sửa chữa các trang thiết bị y tế đặc biệt, Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an Thành phố.
|
Bà Tô Thị Bích Châu trả lời câu hỏi phóng viên tại họp báo |
Thông tin về công tác an sinh, chăm lo đời sống người dân từ nay đến ngày 15/9, bà Tô Thị Bích Châu, Giám đốc Trung tâm an sinh, hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19 (Trung tâm an sinh) cho biết, sẽ theo giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội từ 23/8 đến 6/9.
Hiện nay, đã vận động được trên 1,8 triệu túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…). Còn từ nay đến ngày 6/9, dự kiến sẽ chuyển 1,3 triệu phần quà về TP.Thủ Đức và quận, huyện để trao đến các hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Đối với giai đoạn từ 7-15/9, theo bà Châu, thành phố tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị đủ 2 triệu túi an sinh để đảm bảo không để hộ nào bị thiếu đói khi thực hiện giãn cách xã hội. Tiếp tục tổ chức phân phối hàng đến các hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tổ chức lực lượng tham gia giải quyết các trường hợp có nhu cầu cần được chăm lo lương thực, thực phẩm thiết yếu phản ánh qua cổng thông tin 1022 và đường dây nóng của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Phối hợp các bếp ăn thiện nguyện cung cấp các suất ăn miễn phí cho người yếu thế, cơ nhỡ, không có khả năng tự cung cấp thực phẩm. Tiếp tục triển khai lực lượng giao hàng tình nguyện của thành phố đến từng người dân trong thời gian giãn cách xã hội.