TP.HCM nêu nguyên nhân chậm xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
Tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách đặc thù theo yêu cầu của Thủ tướng và Thành ủy TP.HCM là phải ban hành trong năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa xong.
TP.HCM dự kiến mở rộng Quốc lộ 13 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội TP.HCM dự kiến mở rộng Quốc lộ 13 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Theo đó lãnh đạo Tp.HCM cho hay, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM thì tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách đặc thù trong năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Đặc biệt là các chính sách về huy động, sử dụng nguồn lực giúp Thành phố phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và mạnh mẽ như: chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược (đầu tư vào xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D; sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).

Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon… chưa được ban hành kế hoạch triển khai dẫn đến việc giải quyết các điểm nghẽn của Thành phố chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng (mới chỉ hoàn thành 15/22 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 896/QĐ-TTg, tỷ lệ 68,2%).

Nguyên nhân, UBND TP.HCM cho rằng, bởi khung pháp lý cụ thể từ Trung ương đến nay vẫn còn đang hoàn thiện. Việc xây dựng mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược phải cập nhật lại biểu mẫu theo quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Việc thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là nhóm các vướng mắc về cơ chế đầu tư (quy định về nội dung lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án bán tín chỉ cacbon, phương thức tính tổng mức đầu tư dự án khi không có chi phí vật tư và chi phí xây lắp, quy định về các loại chi phí chuẩn bị dự án,…) và nhóm các vướng mắc về cơ chế tài chính (quy định về định giá tối thiểu tín chỉ cacbon, quy định về lựa chọn đơn vị tư vấn và sàn quốc tế để đăng ký niêm yết tín chỉ,…); Vướng mắc kỹ thuật về việc có thể bán các tín chỉ đã đóng góp vào Cam kết quốc gia (giảm phát thải khí nhà kính) hay không cũng là vấn đề pháp lý cần được giải quyết.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các nội dung cơ chế, chính sách liên quan đến nhiệm vụ được giao thuộc lĩnh vực giao thông vận tải có một số cơ chế chính sách về quy hoạch, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tài chính, đấu thầu...được ban hành luật quy định, nhưng chưa ban hành Nghị định hướng dẫn nên đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT.

Các cơ chế, chính sách đột phá vượt trội tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 là thí điểm nhưng trong hướng dẫn thực hiện thì Thành phố vẫn phải làm theo quy trình thủ tục hiện hành. Hiện chỉ có quy định Bộ, ngành được ban hành quy trình thủ tục, TP.HCM chưa được phân cấp thực hiện.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục