TP.HCM muốn được bổ sung vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương lên gần 4 lần

0:00 / 0:00
0:00
UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao bộ, ngành liên quan điều chỉnh bổ sung vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương cho Thành phố lên 25.923 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025.
Tuyến Metro số 1 đạt hơn 83% khối lượng nhưng vẫn vướng mắc khiến hàng ngàn tỷ đồng chưa được giải ngân (Ảnh: Lê Toàn). Tuyến Metro số 1 đạt hơn 83% khối lượng nhưng vẫn vướng mắc khiến hàng ngàn tỷ đồng chưa được giải ngân (Ảnh: Lê Toàn).

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, Thành phố luôn phải đối mặt với áp lực về nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, do khả năng cân đối ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025 cho đầu tư công còn hạn hữu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên TP.HCM đưa ra kiến nghị bổ sung nguồn vốn trong trung hạn từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung đủ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo nhu cầu vốn đầu tư mà Thành phố đã đăng ký.

Theo đó, Thành phố kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh tăng từ 6.957 tỷ đồng (theo công văn 419) lên thành 25.923 tỷ đồng (theo đăng ký của Thành phố tại công văn 2471; công văn 2991 và công văn 3877).

Kiến nghị bổ sung vốn trung hạn ngân sách Trung ương này được kỳ vọng có thể hỗ trợ Thành phố cân đối vốn đầu tư xây dựng cho các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Hàng loạt dự án lớn có tính “xương sống” cho sự phát triển của TP.HCM và vùng lân cận do các bộ, ngành chức năng triển khai hoặc bị “treo” nhiều năm hoặc gặp quá nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều hệ lụy, không chỉ gây lãng phí đất đai, ngân sách, mà còn khiến người dân khốn khổ.

Bức bối tới mức, mới đây, cơ quan chức năng TP.HCM phải gửi văn bản tới UBND TP.HCM, mong UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai những dự án này.

Ví dụ, là dự án quan trọng quốc gia, khởi động từ năm 2007, song tới giờ này, tuyến Metro số 1 (tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa thể khai thác thương mại, bởi vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại từ Trung ương theo JPY (yên) hay VND (đồng) chưa được tháo gỡ mặc dù UBND TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị khẩn.

Hệ lụy của việc này không chỉ dừng ở hàng ngàn tỷ đồng không thể giải ngân.

Thị Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục