TP.HCM muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp - Bài 2: Cân não bài toán chống “ném tiền xuống nước”

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đặt ra những câu hỏi khó, nhất là làm sao "tránh lãng phí" ngân sách nhà nước.
Ngày Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thông xe cũng là ngày “phán quyết” siêu máy bơm. Ngày Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thông xe cũng là ngày “phán quyết” siêu máy bơm.

Với đủ ban bệ, chuyên gia thẩm định, tầm nhìn ngắn - dài, chính quyền ký hợp đồng thuê “siêu máy bơm” của doanh nghiệp với giá 14 tỷ đồng/năm chống ngập cho con đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng khi hợp đồng chưa kết thúc, Thành phố lại toan đơn phương chấm dứt, dù biết sẽ phải bồi thường. Tiền doanh nghiệp không phải “trên trời rơi xuống”? Tiền chính quyền thuê đâu phải từ túi cá nhân?

Bài 2: Cân não bài toán chống “ném tiền xuống nước”

TP.HCM muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đặt ra những câu hỏi khó, nhất là làm sao "tránh lãng phí" ngân sách nhà nước.

Lệnh hành chính là tránh lãng phí

Như Báo Đầu tư đã phản ánh, ngày 14/4/2022, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản số 2554/VP-DA truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành phố trước đó tại Văn bản số văn bản số 6184/VP-DA ngày 12/8/2021 về đánh giá hiệu quả hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh và đề xuất phương án xử lý máy bơm chống ngập của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung.

Chỉ đạo còn rất quyết liệt khi yêu cầu Sở Xây dựng phải “tham mưu, có chính kiến cụ thể đề xuất UBND TP.HCM về phương án xử lý máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, đảm bảo không lãng phí ngân sách, hoàn thành trong tháng 4/2022, không được chậm trễ”.

Căn nguyên chỉ đạo này là Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (vốn đầu tư 473 tỷ đồng, do Ban Quản lý công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư) đã thông xe (tháng 4/2021) và hoàn thành hệ thống thoát nước (ngày 31/3/2022).

Mục tiêu của Dự án không chỉ sửa, nâng cấp đường, mà còn nhằm giúp chống ngập cho khu vực trong mùa mưa.

Siêu máy bơm chống ngập và Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đều cùng nhiệm vụ tiêu thoát nước chống ngập cùng một khu vực.Cả hai cùng dùng tiền từ ngân sách (14,2 tỷ đồng/năm với siêu máy bơm và 473 tỷ đồng với Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh).Siêu máy bơm chống ngập thí điểm tháng 9/2017, ký hợp đồng chính thức tháng 4/2018, hết hạn tháng 12/2023.Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh khởi công tháng 10/2019, hoàn thành tháng 3/2022.

Tháng 3/2022, Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành hệ thống thoát nước. Nhiều cơ quan đánh giá, nhờ dự án này, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hết ngập. Nước được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không truyền tải đến hầm Trạm bơm do Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung vận hành phục vụ công tác chống ngập. Cũng chính vậy mà máy bơm chống ngập… hết việc làm.

Thế nên, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 4218/SXD-HTKT ngày 26/4/2022 với nội dung trên, ngày 9/5/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (đơn vị được ủy quyền ký hợp đồng với CTCP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung) đàm phán với doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Lãnh đạo TP.HCM còn yêu cầu hoàn thành việc đàm phán chấm dứt hợp đồng ngay trong tháng 5/2022. Từ kết quả đó, Sở Xây dựng sẽ phối hợp các bên liên quan rà soát, tham mưu chính quyền thành phố thực hiện các thủ tục thanh lý.

Thực tế không như ý chí

Với mệnh lệnh trên, vấn đề hóc búa cho cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán là phải hoàn thành đàm phán chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp trong tháng 5 để tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng nhằm “tránh lãng phí ngân sách”.

Hóc búa bởi Hợp đồng số 44/HĐKT-TTCN mà TP.HCM ủy quyền cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM ký với Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thể hiện rõ thời hạn thuê chống ngập là 7 năm, còn 1,5 năm nữa mới hết hạn.

Nếu TP.HCM duy trì hợp đồng tới hết hạn, thì chỉ tốn gần 20 tỷ đồng ngân sách, bởi giá thuê chống ngập là 14,2 tỷ đồng/năm. Còn nếu tuân thủ chỉ đạo UBND TP.HCM, chấm dứt tháng 5/2022, thì TP.HCM vi phạm hợp đồng.

Điều 14.3, Hợp đồng số 44/HĐKT-TTCN quy định: “Trong mọi trường hợp đơn phương chấm dứt Hợp đồng, thì bên vi phạm ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, còn bị phạt 8% giá trị hợp đồng”.

Tại văn bản mới đây gửi lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho biết, nếu bắt buộc bị dừng hợp đồng, thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại 87 tỷ đồng, dựa trên các chi phí thực tế đã và đang thực hiện. Đó là chưa nói khoản phạt 8% giá trị hợp đồng.

Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng tại thời điểm này do hệ thống thoát nước của Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành, sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung. Giá trị bồi thường thiệt hại này chưa xác định được và nếu không có sự thống nhất, thì dẫn tới nguy cơ khiếu kiện hợp đồng”. Sở Xây dựng TP.HCM.

Điều này không phải chính quyền TP.HCM không biết, bởi tại Báo cáo số 4218/SXD-HTKT ngày 26/4/2022, Sở Xây dựng có nêu rõ, nếu TP.HCM đơn phương chấm dứt hợp đồng, sẽ vi phạm quy định và sẽ bị buộc phải bồi thường thiệt hại cùng với phạt 8% giá trị hợp đồng. “Giá trị bồi thường thiệt hại chưa xác định được và nếu không thống nhất, thì có khả năng xảy ra khiếu kiện hợp đồng”, Sở nêu tình huống và đề xuất UBND TP.HCM giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đi đàm phán.

Oái oăm là, Trung tâm này lại trực thuộc Sở Xây dựng, được thành lập năm 2019 theo Quyết định 1201/QĐ-UBND ngày 27/3/2019 của UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại 4 Khu Quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM và Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP.HCM.

Và với thời gian phải hoàn thành đàm phán chấm dứt hợp đồng trong tháng 5 này, mà vẫn đảm bảo ‘tránh lãng phí”, thì thách thức với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM là không nhỏ.

Doanh nghiệp gợi “hướng thoát”

Cũng tại “tâm thư” vừa gửi lãnh đạo UBND TP.HCM, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã gợi cách xử lý khác theo 2 hướng.

Thứ nhất, để xác định hiệu quả chống ngập chính xác, Thành phố nên mời một cơ quan chuyên môn độc lập để đánh giá 75 ha khu vực bị ngập trong khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, chứ không chỉ ở 3 ha của riêng con đường. Khu dân cư xung quanh đường có tới trên 70 ha với cốt nền khá thấp, nên nước từ chỗ cao sẽ chảy xuống chỗ thấp. Mặt khác, cần phải chờ có trận mưa lớn (từ 130 mm trở lên và liên tục trong 70 phút) thì mới đánh giá chính xác tình hình ngập trong khu vực, từ đó có quyết định dừng hay không dừng máy bơm, dù Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành.

Thứ hai, trong trường hợp không còn cần tới máy bơm nữa, thì có thể chuyển tới điểm ngập khác. Nếu Thành phố cho di chuyển hệ thống bơm đường Nguyễn Hữu Cảnh tới những điểm ngập khác, thì chỉ phát sinh thêm chi phí di chuyển và lắp đặt.

Vì thế sẽ phù hợp với chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM tại Thông báo kết luận số 800/TB-VPTU ngày 17/9/2018 là “sẽ tiếp tục thuê dịch vụ này (máy bơm chống ngập của doanh nghiệp-PV) để giải quyết chống ngập trên địa bàn Thành phố sau năm 2019” và Văn bản số 66/BC0UBND ngày 18/4/2018 của UBND TP.HCM là “UBND Thành phố sẽ chỉ đạo nghiên cứu mô hình công nghệ để triển khai nhân rộng tại các địa bàn khác của Thành phố”.

Chuyện khó hiểu trong chi tiêu ngân sách

Trong câu chuyện gay cấn chưa hồi kết nêu trên ở TP.HCM, lại bật ra một vấn đề khác. Đó là, Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh gánh 2 nhiệm vụ chính là sửa chữa, nâng cấp đường và tiêu thoát nước, khởi công từ ngày 5/10/2019, với tổng kinh phí khoảng 473 tỷ đồng, nguồn vốn được lấy từ ngân sách TP.HCM, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng, nhưng chậm tiến độ, hoàn thành sau 18 tháng.

Hệ thống siêu máy bơm của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chỉ có một nhiệm vụ là chống ngập, được thí điểm từ tháng 9/2017 và ký hợp đồng thuê chính thức tháng 4/2018 với giá 14,2 tỷ đồng/năm, trong 7 năm, cũng lấy từ ngân sách (từ nguồn vốn duy tu thoát nước).

Và Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (trực thuộc UBND TP.HCM) làm chủ đầu tư sau hoàn thiện đã “hất cẳng” dự án siêu máy bơm của doanh nghiệp tư nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, dù thời hiệu hợp đồng vẫn còn.

Các số liệu và mốc thời trên cho thấy, cả 2 dự án đều cùng dùng ngân sách, cùng một đích là chống ngập cho cùng một khu vực, chỉ khác về thời điểm khởi công, ký kết (siêu máy bơm ký kết chính thức tháng 4/2018, còn Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh khởi công tháng 10/2019).

Câu hỏi lớn đặt ra là, việc chi tiêu ngân sách cho 2 dự cùng một nhiệm vụ, cùng một khu vực và chỉ cách nhau hơn 1 năm có hợp lý? Cơ quan chức năng TP.HCM tính toán ra sao khi lại ký kết hợp đồng thuê máy bơm chống ngập với doanh nghiệp kéo dài tới 7 năm, trong khi Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh dù chậm tiến độ, nhưng cũng hoàn thành sau 18 tháng thi công (tháng 3/2022), trước cả thời hạn hết hợp đồng thuê bơm chống ngập gần 2 năm (ngày 31/12/2023).

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc!

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục