TP.HCM: Long đong Dự án Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm tại khu trung tâm Thành phố, song 3 dự án (Công viên Lê Văn Tám, Sân bóng đá Tao Đàn và Sân vận động Hoa Lư) đã sớm “chết yểu”, dự án còn lại là Bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng đang miệt mài "kêu cứu".
Hiện trạng khu vực sân khấu Trống Đồng nơi được dự kiến thực hiện dự án bãi đậu xe ngầm. Hiện trạng khu vực sân khấu Trống Đồng nơi được dự kiến thực hiện dự án bãi đậu xe ngầm.

Nhà đầu tư lạc lối trong “ma trận thủ tục”

“Chủ đầu tư khẩn thiết kính đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra lại toàn bộ quá trình triển khai thủ tục pháp lý của Dự án, sớm chỉ đạo giải quyết để Dự án có thể triển khai”. Đó là lời cầu cứu tiếp tục được Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương nêu trong Văn bản số 18/CV-2023 gửi UBND TP.HCM mới đây.

Đại diện nhà đầu tư Dự án (Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương) cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào họ cũng gửi văn bản “kêu cứu” đến UBND TP.HCM để thúc đẩy tiến độ dự án.

Kể từ khi có quyết định giao đất từ giữa tháng 7/2010 đến nay, doanh nghiệp không ngừng làm việc với các sở, ban, ngành của TP.HCM và các cơ quan Trung ương, nhưng đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để khởi công Dự án. Đại diện nhà đầu tư cho biết, kể từ khi nghiên cứu triển khai Dự án Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng, nhà đầu tư đã 3 lần làm lại thủ tục đầu tư và 5 lần phải dừng dự án, mà không có lần nào do lỗi của chủ đầu tư.

Ban đầu, nhà đầu tư được cấp giấy phép đầu tư bãi đậu xe tại Công trường Lam Sơn, song do chồng lấn quy hoạch Tuyến metro số 1, nên UBND TP.HCM giới thiệu nhà đầu tư chuyển sang vị trí sân khấu Trống Đồng.

Trước sự thay đổi trên, nhà đầu tư tiến hành thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của UBND TP.HCM. Sau khi hoàn tất thiết kế, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, doanh nghiệp lại tiếp tục điều chỉnh Dự án theo hướng tăng số chỗ đỗ xe ô tô từ 540 chỗ lên 702 chỗ và giảm tỷ lệ diện tích thương mại dịch vụ từ 40% xuống còn 34,6% theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Sau đó, ngày 23/4/2015, phương án này được UBND TP.HCM phê duyệt tại Văn bản số 2236/UBND-ĐTMT.

Trớ trêu là, khi chủ đầu tư bỏ công sức, thời gian làm lại các thủ tục, đến khi thiết kế được Bộ Xây dựng đồng ý, thì Dự án lại vướng Tuyến metro số 2, nên nhà đầu tư phải thiết kế lại từ đầu.

Trong thời gian chờ đợi các sở, ban, ngành xác nhận phương án giải quyết khi Dự án vướng Tuyến metro số 2, thì Dự án lại bị đưa vào danh sách thu hồi đất do không triển khai. Mặc dù, trên thực tế, nhà đầu tư chưa từng được bàn giao đất trên thực địa. Sau khi doanh nghiệp khiếu nại với các căn cứ quy định pháp luật, tháng 7/2019, UBND TP.HCM có Văn bản số 3030/UBND-DA cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai Dự án và yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục đẩy nhanh tiến độ để khởi công Dự án.

Sau khi UBND TP.HCM ban hành văn bản 3030, doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến Sở Quy hoạch Kiến trúc xin xác nhận chỉ tiêu quy hoạch, thì sở này lại có văn bản cho rằng, Dự án không thể có chức năng thương mại dịch vụ trên mặt đất. Điều này có nghĩa, Sở Quy hoạch Kiến trúc tự bác bỏ văn bản do chính sở này xác nhận bản vẽ quy hoạch trước đó.

Sau đó, doanh nghiệp dẫn Biên bản họp Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP.HCM (số 657); Công văn số 814/TB-VP của UBND TP.HCM; Văn bản số 238/QĐ-TNMT-QLMT của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đều ghi rõ có phần thương mại dịch vụ cùng với bãi đậu xe. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đồng ý phương án áp giá thuê đất cho tầng trên mặt đất của dự án là tầng thương mại.

Khẩn thiết đề nghị chính quyền cho phép thực hiện Dự án

Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương cho rằng, nguyên nhân chậm trễ tiến độ hoàn toàn do lỗi các sở, ban, ngành, không những không tiến hành thêm bất cứ thủ tục nào, mà lại còn liên tiếp thay đổi nội dung những văn bản do chính sở, ngành đã ký và ban hành trước đó.

“Việc chủ đầu tư phải chờ đợi thủ tục quá lâu và bị thay đổi liên tục làm phát sinh nhiều chi phí dự án. Do thời gian triển khai dự án kéo dài, các quy định pháp luật thay đổi, các bước của Dự án phải làm đi làm lại hoàn toàn không do lỗi của chủ đầu tư, vì thế, nhà đầu tư khẩn thiết kính đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra lại toàn bộ quá trình triển khai thủ tục pháp lý của Dự án, sớm chỉ đạo giải quyết để có thể tiếp tục triển khai”, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương nêu trong văn bản gửi UBND TP.HCM.

Sau khi liên tiếp nhận được các văn bản của nhà đầu tư, ngày 28/7/2023, Văn phòng UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Công văn khẩn số 7918/VP-DA gửi Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM yêu cầu báo cáo khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Thành phố và tham mưu đề xuất UBND TP.HCM trước ngày 20/8/2023.

Điều đáng nói, đây là văn bản nhắc lần thứ 3 của Văn phòng UBND TP.HCM đối với các sở, ngành của UBND TP.HCM về việc báo cáo vướng mắc liên quan đến các dự án bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Thành phố.

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề xuất xây dựng các bãi đậu xe nổi bằng hình thức lắp ghép thông minh để “chữa cháy” tình trạng thiếu trầm trọng các bãi đậu xe khu vực trung tâm hiện nay. Sau khi rà soát, Sở đề xuất 4 địa điểm làm bãi đậu xe nổi gồm: trước Công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng (quận 1); một phần lòng đường Lê Lai (đoạn từ Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1), bên trong bến xe buýt Chợ Lớn (quận 5) và trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5).

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đánh giá, các bãi đậu xe nổi lắp ghép có ưu điểm là không tốn quá nhiều diện tích, chi phí thấp hơn so với các bãi đỗ xe ngầm đã được quy hoạch, lắp đặt dễ dàng, nhanh chóng và có thể tăng số lượng vị trí đỗ bằng cách lắp ghép các block đỗ xe với nhau. Ngoài ra, có thể di chuyển cả hệ thống sang một khu vực khác mà không mất quá nhiều thời gian và công sức.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục