TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT

0:00 / 0:00
0:00
Do hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) gặp quá nhiều vướng mắc, TP.HCM quyết định bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I) chưa được tháo gỡ vướng mắc về thủ tục thanh toán quỹ đất để hoàn tất và đưa vào sử dụng. Ảnh: Lê Quân Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I) chưa được tháo gỡ vướng mắc về thủ tục thanh toán quỹ đất để hoàn tất và đưa vào sử dụng. Ảnh: Lê Quân

Dự án đã hoàn thành cũng chưa hết vướng mắc

Dù UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1) từ tháng 1/2024, song đến nay, Dự án vẫn chưa tháo gỡ được việc thanh toán quỹ đất để đi đến ký kết phụ lục hợp đồng và thi công trở lại.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái cho biết, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần Dự án. Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM phải chịu đến thời điểm cuối năm 2023 là 813 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng là 14,9 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị UBND TP.HCM nhanh chóng giao đất thanh toán giá trị hợp đồng BT cho Công ty. Việc chậm trễ giao đất sẽ dẫn đến phát sinh lãi rất lớn, gây lãng phí cho ngân sách thành phố, đồng thời làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư”, ông Thắng cho biết.

Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 chỉ là một trong nhiều dự án BT đang thi công dở dang gặp vướng mắc nhiều năm chưa được giải quyết. Trong đó, không thể không nhắc đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I), với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Dự án này khởi công từ năm 2016, đã tạm dừng thi công 3 lần. Những năm qua, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản kiến nghị thực hiện các thủ tục để thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT đã ký. Tuy nhiên, đến nay, các vướng mắc liên quan đến việc thanh toán quỹ đất, điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa được UBND TP.HCM xử lý.

Theo số liệu thống kê của UBND TP.HCM, trên địa bàn Thành phố có 13 dự án BT đã ký hợp đồng thực hiện. Không chỉ các dự án đang thực hiện dở dang gặp vướng mắc, mà cả các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong các thủ tục thanh quyết toán.

Đó là Dự án Xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ; Dự án Đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; Dự án Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn I); Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (nay là đường Phạm Văn Đồng)… Những dự án này đã đưa vào sử dụng nhiều năm trước, nhưng chưa hoàn thành việc quyết toán bằng quỹ đất.

Loại bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác

Ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, việc triển khai các Dự án đầu tư tại TP.HCM trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư dù liên tục được bổ sung, hoàn thiện, nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn.

Trước vướng mắc quá lâu tại các dự án BT, năm 2023, UBND TP.HCM đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư. Đích thân ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Tổ trưởng Tổ công tác để điều phối và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc. Dù Tổ công tác họp hàng tháng, nhưng đến nay, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, quy trình thanh toán bằng quỹ đất cho dự án BT sẽ nhanh hơn và tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Thế nhưng, qua 8 tháng triển khai trên thực tế, vẫn còn nhiều rào cản trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật chồng chéo nhau.

Trước thực trạng trên, UBND TP.HCM đang có những động thái “quyết liệt” để giải quyết dứt điểm những tồn đọng, hoàn thành dự án và đưa vào khai thác. Đầu tháng 3/2024, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án BT. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch tháo gỡ chi tiết để trình UBND Thành phố quyết định.

Đối với các dự án chưa triển khai, ông Phan Văn Mãi yêu cầu đưa ra khỏi danh sách các dự án BT đối với Dự án cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại phường 6, quận Tân Bình; Dự án cầu đường Bình Tiên (2 đoạn). Đồng thời, dừng thực hiện đầu tư theo hình thức BT đối với các dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa quận Tân Bình; Bệnh viện đa khoa Sài Gòn; Cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP. Thủ Đức). Những dự án này sẽ chuyển đổi đầu tư theo hình thức khác, đảm bảo phù hợp quy định hiện hành.

Đối với các dự án đang thực hiện dở dang như Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nghiên cứu cả phương án dừng thực hiện theo hình thức BT để chuyển sang hình thức đầu tư công.

Với những động thái quyết liệt từ chính quyền TP.HCM, nhà đầu tư kỳ vọng những vướng mắc kéo dài hàng năm trời sẽ sớm được xử lý để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục