TP.HCM lên kế hoạch tái cấu trúc các khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM đang lên kế hoạch tái cấu trúc các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
TP.HCM lên kế hoạch tái cấu trúc các khu công nghiệp

Trong Dự thảo Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất (KCX), KCN TP.HCM giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2040, TP.HCM đã đưa ra định hướng chuyển đổi cụ thể cho từng KCN.

Trong đó, tại khu vực phía Đông Thành phố có 4 KCX, KCN, gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Bình Chiểu và Cát Lái, với tổng diện tích 284,87 ha. Hiện các KCX, KCN ở phía Đông đã lấp đầy 100%.

Về định hướng chuyển đổi, KCX Linh Trung 1, và Linh Trung 2, sẽ chuyển đổi sang thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao, giảm dần các ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày.

Đối với KCN Bình Chiểu, hiện có hơn 50% diện tích đã và sắp hết thời hạn thuê đất, đơn vị xây dựng hạ tầng sẽ xây dựng nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao. Sau khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2048, KCN này sẽ phát triển theo hướng dịch vụ logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế… hoặc chuyển thành khu đô thị, do diện tích KCN nhỏ và nằm trong khu dân cư.

Khác với các KCN ở phía Đông, KCN Cát Lái, chủ yếu thu hút các doanh nghiệp trong nước với các ngành truyền thống, hiệu quả chưa cao, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, toàn bộ KCN Cát Lái được đề xuất chuyển đổi thành một phần Trung tâm Logistics Cát Lái với diện tích 200 - 292 ha.

Tại khu vực phía Nam TP.HCM có các KCX, KCN Tân Thuận, Hiệp Phước (giai đoạn I và II). Trong đó, KCX Tân Thuận, thời gian hoạt động còn lại khoảng 20 năm (đến năm 2041). Trong những năm trở lại đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư, KCX đã thu hút nhiều dự án đầu tư phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin. Khi dự án kết thúc vào năm 2041, TP.HCM sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút dự án công nghệ cao.

Đối với KCN Hiệp Phước, giai đoạn I diện tích 311 ha, tỷ lệ lấp đầy 100%, dành để bố trí các doanh nghiệp di dời ô nhiễm của Thành phố. Giai đoạn II của KCN Hiệp Phước diện tích 597 ha, tỷ lệ lấp đầy 42%, bên cạnh những ngành liên quan đến cảng biển, kho vận, KCN còn thực hiện thu hút đầu tư theo định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ở khu vực phía Tây Bắc, TP.HCM có các KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, Cơ khí ô tô, Tây Bắc Củ Chi, Tân Thới Hiệp. Một số KCN có các ngành nghề ô nhiễm được di dời khỏi nội thành. Trước mắt, khi doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, Thành phố khuyến khích doanh nghiệp hiện hữu đổi mới công nghệ để giảm ô nhiễm môi trường…

Ở phía Tây, hiện có một số KCN có các ngành nghề dễ gây ô nhiễm môi trường như KCN Lê Minh Xuân, KCN Tân Bình. Tại khu vực này, một số KCN như Tân Bình, Tân Tạo, Vĩnh Lộc được định hướng chuyển đổi một phần khu nhà xưởng thành kho logistics, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế…

Góp ý cho Đề án Chuyển đổi mô hình các KCN tại TP.HCM, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Hepza cho rằng, muốn thúc đẩy phát triển các KCX-KCN thì quy hoạch sắp tới phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong quy hoạch phải có thời hạn rõ ràng và xem xét thận trọng những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Nói về mục tiêu của Đề án Chuyển đổi mô hình các KCN tại TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố từng bước chuyển đổi các KCX, KCN hiện hữu theo hướng hiệu quả hơn. Việc tái cấu trúc các KCX, KCN sẽ phát huy được những lợi thế của Thành phố về nguồn nhân lực và vị trí trung tâm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục