Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào sáng 13/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để sớm triển khai các dự án cao tốc, vành đai tại TP.HCM.
Cụ thể, dự án TP.HCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thay đổi (Luật PPP, Nghị định 35 thay thế cho Nghị định 63) nên dự án phải thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng theo thời gian, cần thiết phải cập nhật lại.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ của dự án sau Thành phố trình báo cáo tiền khả thi, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 50% vốn ngân sách Trung ương (khoảng 3.000 tỷ đồng) để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn.
Cùng với đó, để khai thác hiệu quả cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, cao tốc TP.HCM- Chơn Thành, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư khép kín đường Vành đai 3 (đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị có cơ chế hỗ trợ một phần vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến Vành đai 4 để sớm triển khai dự án.
Dự án đường Vành đai 4 được Thủ tướng duyệt vào 4/2013 với chiều dài khoảng 198 km, đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM và Long An, tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng.
Còn về lựa chọn đơn vị vận hành dự án giải quyết ngập do triều cường khu TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), dự kiến dự án cơ bản hoàn thành phần xây lắp vào cuối năm 2021 và đưa vào vận hành vào đầu năm 2012.
Tuy nhiên, do đây là dự án mới đầu tư, chưa có các bộ định mức kinh tế- kỹ thuật, đơn giá cho công tác vận hành, quy mô lớn, phức tạp, quan trọng đặc biệt, lần đầu tiên được xây dựng tại TP.HCM (công trình thuỷ lợi cấp I, nhóm A) nên việc xây dựng các gói thầu, các tiêu chí phù hợp để tổ chức lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để vận hành hiệu quả sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian;
Chưa kể, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu đòi hỏi phải huy động được các chuyên gia có kinh nghiệm trong vận hành công trình thủy lợi có quy mô tương tự.
Do vậy, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép Thành phố đặt hàng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư dự án tổ chức vận hành động trong 2 năm đầu, kể từ ngày hoàn thành các công tác bàn giao.
Trong lĩnh vực xây dựng, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án (kể cả phần diện tích khác không phải diện tích đất có nhà chung cư nhưng được phép chuyển mục đích sử dụng thuộc phạm vi ranh giới dự án xây dựng lại nhà chung cư theo quy hoạch đã được phê duyệt).
Đồng thời cho phép UBND Thành phố lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng ngày 13/5, có 16 nhóm vấn đề được đề xuất cho TP.HCM phát triển trong giai đoạn tới. Kết luận chung tại buổi họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo về các nhóm đề xuất là vấn đề nào vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Chính phủ cùng TP.HCM tháo gỡ. Việc tháo gỡ các nút thắt theo tinh thần 3 không: “Không nói không, không nói có và Chính phủ cũng không nói có mà không làm”.