TP.HCM "khoe" 4 cái "có" để mời gọi nhà đầu tư
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2017 diễn ra ngày 11/10, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, nhu cầu về vốn các dự án đầu tư của Thành phố hơn 40 tỷ USD cho đến năm 2020.
Riêng TP.HCM không thể đáp ứng nổi nhu cầu vốn này vì vậy rất cần sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhu cầu đầu tư hiện tập trung 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia và 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dưới góc nhìn nhà quản lý, ông Hoan cho rằng, mặc dù thiếu vốn nhưng TP.HCM có 4 cái “có” giúp nhà đầu tư có thể đầu tư hiệu quả khi tham gia vào các dự án tại TP.HCM.
Thứ nhất, đó là cải cách, cải tiến các thủ tục, hồ sơ pháp lý đối với các dự án đầu tư. Điều này được thể hiện qua việc tới đây, TP.HCM sẽ thành lập 2 tổ công tác, phụ trách mảng đầu tư và xây dựng, hoạt động theo cơ chế “một cửa” đi kèm chung quá trình triển khai dự án hoạt động.
“Chỉ cần nhà đầu tư đến với TP.HCM, tự chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề nội bộ, sau đó sẽ trả kết quả cho nhà đầu tư tránh tình trạng như hiện nay khi triển khai các dự án từ nghiên cứu xây dựng, lập phương án đều phải qua rất nhiều cơ quan khác nhau”, ông Hoan nói.
TP.HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Thành phố.
Thứ hai, TP.HCM sẵn sàng về đất hỗ trợ nhà đầu tư. Mặc dù hiện nay quỹ đất của Thành phố không còn nhiều, nhưng thời gian tới TP.HCM sẽ kiến nghị Chính Phủ thay đổi một số chức năng, nhiệm vụ sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ chuẩn bị quỹ đất sạch để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia vào. Hiện nay, ngoài một số khu công nghiệp, khu chế xuất sẵn có, sắp tới TP.HCM sẽ hình thành những khu công nghiệp mới để giúp cho các nhà đầu tư có điều kiện để đầu tư vào gắn với yêu cầu mới về chất lượng, công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, TP.HCM sẵn sàng về nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề này, theo ông Hoan, bên cạnh đào tạo trong nước, TP.HCM cũng tổ chức đào tạo lao động tại nước ngoài, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ý thức giáo dục và đào tạo cho con em mình có chuyên môn trình độ được nhiều gia đình chú trọng.
Trước mắt, ông Hoan cho rằng, TP.HCM có thể học tập mô hình của Nhật Bản. Đó là đầu tư trước, đưa người của mình làm quản lý, trong quá trình hoạt động lựa chọn những người lao động giỏi ở Việt Nam đang sản xuất tại các nhà máy Việt Nam đưa đi đào tạo và từ đó chuyển giao công tác quản lý, điều hành, nghiên cứu.
Ông Hoan cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư nên mạnh dạn đầu tư rồi trên cơ sở đó lựa chọn những người ưu tú tiếp cận được công nghệ và đào tạo họ trở thành nhà điều hành, quản lý.
Thứ tư, TP.HCM sẵn sàng thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực phát triển có tính chất bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao, ít tốn kém năng lượng, ít thâm dụng lao động nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo thân thiện môi trường. Điều này vốn cũng nằm trong chủ trương ủng hộ của Chính phủ.
Lĩnh vực hạ tầng kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại
Tại hội nghị, bà Tina Phan, Giám đốc Khu vực Đông Dương, Cục Xúc tiến mậu dịch Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, một trong những lĩnh vực mà nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hồng Kông hiện đang quan tâm tại thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Theo bà Tina Phan, trong thời gian qua các nhà đầu tư Hồng Kông với tiềm lực tài chính sẵn sàng tham gia vào các dự án đầu tư, các công ty trong lĩnh vực may mặc, chế biến nông lâm thủy sản và bất động sản và hiện nay đang bắt đầu chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải.
“Tháng 5 vừa rồi, Cục đã tổ chức buổi tiếp xúc tìm hiểu của đoàn doanh nhân cấp cao của Hồng Kông với các dự án đầu tư và các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến các dự án hạ tầng tại TP.HCM, đặc biệt là các tuyến tàu điện Metro”, bà Tina nói thêm.
Tại hội nghị, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã trình bày về quy hoạch giao thông vận tải đường sắt tại TP.HCM cũng như nhu cầu gọi vốn đầu tư các dự án tàu Metro trong thời gian tới.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ có có 8 tuyến Metro và 3 tuyến tàu nhẹ với tốc chiều dài hơn 219 km. Bên cạnh đó, đã có nhà đầu tư đặt vấn đề xây dựng các tuyến đường sắt ngoài tuyến TP.HCM – Cần Thơ nhằm giảm áp lực giao thông cho TP.HCM