TP.HCM khẳng định đóng bãi chôn lấp rác số 3 của Phước Hiệp là hợp lý

Theo UBND TP.HCM, việc đóng bãi chôn lấp số 3, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp gây lãng phí ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng là không có cơ sở.     
Nước thải của bãi chôn lấp rác Phước Hiệp gây ô nhiễm môi trường.

Quyết định đóng bãi rác số 3 Phước Hiệp xuất phát từ ý nguyện của nhân dân

UBND TP.HCM khẳng định, quyết định đóng bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp (tại Công văn số 5363/UBND - ĐTMT ngày 17/10/2014) xuất phát từ ý nguyện và phản ánh của nhân dân khu vực xung quanh, cũng như các kiến nghị của UBND huyện Củ Chi, UBND huyện Đức Hòa (Long An)…

Cụ thể, trong quá trình vận hành các bãi chôn lấp Phước Hiệp, đã xảy ra sự cố phình trồi đất tại bãi chôn lấp rác số 1 (vào năm 2005 - PV) và đến tháng 7/2009 thì bị sụt lún, trượt đất gây sạt lở bờ bao, làm chảy tràn nước rỉ rác ra kênh TC2-5A trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp gây ô nhiễm môi trường và mặt nước ngầm khu vực xung quanh.

Không những vậy, đến tháng 12/2014, UBND huyện Đức Hòa (Long An) cũng có văn bản đề nghị UBND TP.HCM sớm có giải pháp xử lý khắc phục tình trạng ô nhiễm hoặc di dời bãi rác ra vị trí khác để không gây ô nhiễm môi trường chung. Theo UBND huyện Đức Hòa, từ ngày bãi rác Tam Tân (huyện Củ Chi), thuộc Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp được thành lập cho đến nay, bãi rác này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân một số xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Tân Mỹ và thị trấn Hậu Nghĩa.

Trước những bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường xung quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, UBND Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp để xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm thiểu gây ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi và tiến hành chấm dứt xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Phước Hiệp vào đầu năm 2015. Song song với đó, UBND Thành phố cũng xem xét, đưa lượng rác tăng thêm về xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. “Dự án này đã được xây dựng hoàn chỉnh và đảm bảo năng lực tiếp nhận thêm lượng rác theo thiết kế…”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết.

Theo đó, UBND Thành phố ban hành kế hoạch đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp và chuyển rác về xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Cụ thể, từ ngày 30/11 đến 31/12/2014, điều phối khối lượng rác tăng thêm 600 tấn/ngày; từ ngày 31/3/2015 điều phối khối lượng rác còn lại khoảng 800 tấn/ngày. Để tiếp nhận khối lượng rác trên, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã xây dựng Dự án “Nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày” tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh). Dự án này được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và đánh giá là đảm bảo điều kiện theo các hạng mục, công trình hiện có của dự án.

Lãng phí ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng là không có cơ sở

Theo UBND TP.HCM, Dự án công trình bãi chôn lấp rác số 3 Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp có tổng mức đầu tư là 976 tỷ đồng, trong đó chi phí dự phòng là 245 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí dự phòng thì tổng số vốn đầu tư của toàn bộ dự án là 731 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do việc xây dựng bãi chôn lấp số 3 này chưa hoàn tất và UBND Thành phố đã chấp thuận cho chủ đầu tư thuê đơn vị kiểm toán độc lập để xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án. Nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa báo cáo kết quả kiểm toán công trình cho UBND Thành phố nên việc các báo đăng thông tin đóng bãi chôn lấp số 3 gây lãng phí ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng là chưa có cơ sở.

Liên quan đến dự án này, UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạc và Đầu tư xem xét lại thẩm quyền phê duyệt dự án của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố có đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Liên quan đến vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt, theo UBND Thành phố, tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, ngoài bãi chôn lấp số 3 của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố còn có Nhà máy Xử lý rác thành phân compost của CTCP Vietstar (1.200 tấn/ngày) và Nhà máy Xử lý rác thành phân compost của CTCP Tâm Sinh Nghĩa (1.000 tấn/ngày). Hiện phần rác sau phân loại làm phân compost của 2 công ty này được UBND Thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố chôn lấp tại những ô chôn lấp của bãi chôn lấp số 3 đã được xây dựng.

Theo đó, bãi chôn lấp số 3 hiện tại là bãi rác dự phòng và xử lý 50% - 60% khối lượng rác không sản xuất được phân compost của CTCP Vietstar và CTCP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và khối lượng rác thải này được đem qua chôn lấp của ô chôn lấp số 3.

Giá xử lý rác của VWS là hợp lý

Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, giá xử lý rác của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), chủ đầu tư Khu xử lý rác Đa Phước chưa hợp lý. Phản biện lại ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, để biết mức giá này cao hay thấp, phải phân tích rõ thực trạng, bản chất và các quy trình, khâu đoạn được bao hàm trong mức giá. Thực tế từ năm 2006 trở về trước, việc xử lý rác được TP.HCM đầu tư bằng nguồn ngân sách và hầu như chỉ sử dụng công nghệ chôn lấp như tại bãi rác Đông Thạnh, khu xử lý rác Gò Cát, khu xử lý rác Phước Hiệp. Tại thời điểm năm 2005, các bãi chôn lấp rác đều do Công ty Môi trường Thành phố quản lý, vận hành và đơn giá chỉ tính chi phí nhân công, chi phí vận chuyển rác từ sàn phân loại lên bãi chôn lấp, chế phẩm và đất phủ mỗi ngày.

Cách tính như vậy chưa đầy đủ, nên các bãi rác trên thường xuyên bị đe dọa vì ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi và sự cố sụt lún. Vì thế, UBND Thành phố đã quyết định đóng bãi rác Đông Thạnh ở huyện Hóc Môn và khẩn trương tìm địa điểm mới ở ngoại thành, đồng thời kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách với các công nghệ tiên tiến hơn. Trong bối cảnh đó, VWS là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình xã hội hóa, tự bỏ vốn đầu tư 100% vào lĩnh vực xử lý rác. Vì vậy, đơn giá xử lý rác của VWS được Thành phố phê duyệt căn cứ theo các khoản chi phí cần đầu tư để đảm bảo xử lý rác triệt để, an toàn cho môi trường và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.

Cụ thể gồm: chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu hỗn hợp xử lý rác, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước rỉ rác, khí của bãi chôn lấp, trạm quan trắc chất lượng môi trường bãi chôn lấp, chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng như giám sát, vận hành bãi chôn lấp, bảo trì máy móc thiết bị trong quá trình hoạt động và chi phí bảo trì bãi chôn lấp 28 năm sau khi đóng bãi… Theo đó, tổng chi phí của dự án là hơn 426,513 triệu USD, sau khi trừ đi khoản thu được ước tính từ việc tái chế và bán phế liệu cùng khoản ứng trước của Thành phố, thì tổng chi phí còn lại là 393,6 triệu USD. Mức chi phí này để xử lý cho 24 triệu tấn rác trong thời gian 22 năm và tính ra cho đơn giá xử lý 1 tấn rác là 16,4 USD.

Để thu hút nhà đầu tư và đảm bảo quá trình thực hiện dự án được ổn định trong thời gian dài, Thành phố đã thông qua nguyên tắc điều chỉnh đơn giá trên cơ sở chỉ số CPI do Tổng cục Thống kê công bố hàng năm (nếu CPI tăng trên 3%/năm thì đơn giá xử lý rác tăng tối đa 3%; nếu CPI tăng thấp hơn 3%/năm thì tính theo CPI trên thực tế và nếu CPI là âm thì sẽ giữ nguyên mức giá của năm trước). Vì vậy, đơn giá xử lý rác của VWS đã được điều chỉnh với mức tăng thêm 3%/năm từ năm 2006 đến nay và hiện đơn giá này là 20,166 USD/tấn. Cũng theo báo cáo này, đơn giá xử lý rác của Công ty VWS cũng gần tương đương với đơn giá xử lý rác tại nhà máy xử lý rác của CTCP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (20,38 USD/tấn) và đơn giá tại nhà máy xử lý rác của CTCP Vietstar (19 USD/tấn).

Tuy nhiên, đơn giá của Công ty VWS đã bao gồm chi phí vận hành bãi rác thời gian 28 năm sau khi đóng bãi. Trong khi hai công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar sử dụng công nghệ khác nên không phát sinh chi phí vận hành sau khi đóng bãi. Hơn nữa, sau khi hết thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, Công ty VWS sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất sạch 128 ha sử dụng của dự án cho Thành phố.

Sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, giá xử lý rác của VWS là chưa hợp lý, ngày 16/3/2016, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy khẳng định: Quá trình thẩm định đơn giá xử lý rác của Công ty VWS đã được các sở, ngành chuyên môn của Thành phố tham gia đóng góp ý kiến, đã được UBND Thành phố báo cáo xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã được Thủ tướng chấp thuận. “Những ý kiến nêu giá xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước là bất thường và bất hợp lý là không có cơ sở”, báo cáo viết.

Trương Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục