TP.HCM "kêu" gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Luật đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Theo UBND TP.HCM, các đơn vị vừa là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án, vừa là cơ quan có ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư cũng dự án đó dẫn đến thiếu sự khách quan.
TP.HCM có số lượng dự án đầu tư công rất nhiều. TP.HCM có số lượng dự án đầu tư công rất nhiều.

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM vừa có báo cáo về những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Theo đó, UBND Thành phố cho hay, căn cứ theo Điều 27 Luật Đầu tư công và Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND Thành phố không thể giao các Ban quản lý dự án trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, mà phải giao các cơ quan chuyên môn hoặc UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức thực hiện.

Trong khi thực tế Thành phố có số lượng dự án đầu tư công rất nhiều, do đó, việc giao các cơ quan trên có thể gây áp lực lớn khi vừa phải phân bổ nguồn lực để chuẩn bị đầu tư dự án, thẩm định chủ trương đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuẩn bị dự án. Ngoài ra, các đơn vị này vừa là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án, vừa là cơ quan có ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư cũng của dự án đó dẫn đến thiếu sự khách quan.

Do đó, UBND TP.HCM đề xuất sửa đổi thành: “Giao cơ quan chuyên môn, Ban quản lý chuyên ngành hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư".

Về quy định thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm (trước ngày 15/11 của năm kế hoạch), TP.HCM cho rằng, mức vốn đầu tư công hằng năm Thành phố triển khai thực hiện là rất lớn (cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố), với độ mở kinh tế lớn, nhiều khó khăn vướng mắc khách quan có thể phát sinh và tác động đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công là chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm. Trong thời gian còn hơn 2 tháng của niên độ kế hoạch đầu tư công hằng năm kể từ khi thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công lần cuối theo quy định nêu trên, khi có phát sinh các nguyên nhân khách quan, Thành phố cần có các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay, Thành phố không thể thực hiện nên điều này gây khó khăn trong việc điều hành kế hoạch đầu tư công hằng năm của Thành phố.

Trong khi đó, một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để giải quyết các nguyên nhân khách quan là điều chuyển vốn từ các dự án không thể tiếp tục giải ngân vốn trong năm sang các dự án có tiến độ tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thông qua việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị xem xét không quy định hạn chế thời hạn điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với địa phương khi điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công giữa các dự án chỉ sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Mặt khác, hiện nay, Thành phố đang áp dụng quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/ 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM để thực hiện hiện việc ủy quyền quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm C sử dụng ngân sách Thành phố nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước .

Do vậy, TP.HCM kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy định tại Luật Đầu tư công theo hướng quy định cụ thể việc Chủ tịch UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, theo luật thì HĐND Thành phố quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố thực hiện dự án có tính chất vùng, liên vùng (bao gồm các dự án thực hiện ở địa phương đó và ở địa phương lân cận). Tuy nhiên, Điều 17 Luật Đầu tư công lại không quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của dự án sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện trên địa phương đó và tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, sau khi quyết định chủ trương đầu tư, còn phải thực hiện thêm các thủ tục theo Luật chuyên ngành (ví dụ phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo luật quy định).

Do vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án được HĐND một tỉnh quyết định sử dụng ngân sách tỉnh đó để đầu tư thực hiện dự án liên vùng; nghiên cứu hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công bổ sung quy định rõ việc phân loại dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tách ra thành dự án độc lập để làm cơ sở xác định các thủ tục tiếp theo.

Ngô Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục