TP.HCM kê đơn thuốc đặc trị gỡ vướng đất xen cài

(ĐTCK) Lời hứa với các doanh nghiệp đang được TP.HCM từng bước thực hiện khi Sở Xây dựng TP.HCM vừa hoàn thiện dự thảo tháo gỡ khó khăn, mở lối thoát cho 63 dự án nhà ở vướng đất công xen cài. Đây được xem là liều thuốc đặc trị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bị "đứng hình" hơn 2 năm qua.
Chính quyền TP.HCM đang trong giai đoạn nước rút để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Ảnh: Trọng Tín Chính quyền TP.HCM đang trong giai đoạn nước rút để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Ảnh: Trọng Tín

Lối ra cho 63 dự án vướng đất xen cài

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, vừa hoàn chỉnh dự thảo về các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn để Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Dự thảo này được kỳ vọng sẽ sớm được các cấp cho ý kiến để ban hành, thực thi, nhanh chóng gỡ tiếp khó khăn cho các dự án còn bị đóng băng và tạo khung quy chiếu, tiền lệ cho việc ứng xử với các trường hợp tương tự.

Theo đó, Sở Xây dựng đã đưa ra 8 nhóm vấn đề để tháo gỡ khó khăn, trong đó trọng tâm là cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ tháng 12/2015 đến nay, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Tất cả dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt. Thế nhưng, các dự án này đang bị “tuýt còi” do vướng đất xen cài.

Để doanh nghiệp bất động sản có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai các dự án đang bị vướng mắc này, Sở Xây dựng cũng trình lên 2 phương án để Thành phố kiến nghị Thủ tướng.

Phương án thứ nhất là diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở, hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhà ở, thì diện tích đất đó được coi là đất ở.

Sở Xây dựng cho rằng, nếu phương án này được chấp thuận, với 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực, kiến nghị Chính phủ cho Thành phố được thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015 của Chính phủ.

Đối với 18 dự án còn lại, trong đó có 5 dự án đã được UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi, giao đất, đã chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thì UBND Thành phố sẽ hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận nội dung kiến nghị nêu trên, UBND Thành phố sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án thứ hai.

Cụ thể, đối với nhóm 58 dự án (gồm 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa công nhận chủ đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất), nhà đầu tư sẽ thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Còn 5 dự án nhà ở còn lại đã được UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi, giao đất, đã chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, UBND Thành phố sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo Luật Nhà ở, phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc Nhà nước phải hoàn trả lại nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thực hiện.

Tuy nhiên, việc này sẽ phát sinh yêu cầu về bồi thường với Nhà nước hoặc khiếu nại của chủ đầu tư. Do đó, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư tiếp theo và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cần quyết liệt hơn

Mặc dù đây là thời gian mà toàn bộ hệ thống chính trị đang dồn hết sức lực trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và vẫn chưa có nhiều dự án được công bố sẽ tái khởi động, song thời gian qua, chính quyền TP.HCM cũng đã có nhiều động thái quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Chẳng hạn, dự án 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4 mới đây đã được UBND Thành phố thông báo cho phép tái khởi động sau nhiều năm bị “đắp chiếu”. Đây là dự án có nguồn gốc đất công, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nhà máy Thủy tinh Khánh Hội theo Quyết định 607/TTg. Sau đó, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn
(Sabeco) liên doanh với đối tác Malaysia thành lập Công ty TNHH Malaya Việt Nam (MVG), để làm nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh phục vụ sản xuất.

Sau quá trình sắp xếp, đến nay UBND Thành phố đã chấp thuận cho Sabeco sử dụng hơn 16.000 m2 từ tổng diện tích đất thu hồi nói trên để đầu tư dự án trung tâm dịch vụ thương mại căn hộ Charmington Iris. Dự án có quy mô 2 block cao 35 tầng, gồm 1.438 căn hộ, do Công ty TTC Land và Công ty cổ phần Thương mại địa ốc Việt là đơn vị phát triển dự án.

Đại diện Tập đoàn Novaland, một trong những doanh nghiệp bất động sản tên tuổi hoạt động tại phía Nam cho biết, với sự lắng nghe, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành, nên thời gian qua, doanh nghiệp này đã được tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án.

Chẳng hạn, Dự án khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) đã được UBND TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn (phường 6, quận 4) đã được UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án.

Hay Dự án khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền (quận 2) và Dự án cao ốc thương mại và căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh) và Dự án căn hộ cao cấp tại 67 Mai Chí Thọ (phường An Phú, quận 2) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra thực địa, chuẩn bị thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho cư dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho rằng, ở thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 đang tác động lên mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp bất động sản đều bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, bất động sản vẫn được xem là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững.

“Việc UBND TP.HCM có hướng tháo gỡ cho 63 dự án nhà ở thương mại bị vướng đất xen cài chính là một trong những hành động thiết thực mang lại niềm tin và sản phẩm thực tế, tăng nguồn cung cho cho thị trường”, ông Châu nói và cho rằng, còn nhiều vướng mắc liên quan đến thay đổi của pháp luật, trong đó nhóm vướng mắc lớn nhất hiện nay thuộc về lĩnh vực đất công, thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương.

Còn đại diện một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM cho rằng, thời gian qua, Chính quyền TP.HCM cũng đã rất nỗ lực, song các dự án được tái khởi động công bố rộng rãi chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Chính quyền Thành phố cần quyết liệt hơn nữa, biết là trong mùa dịch bệnh nên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng khi thị trường không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách và kinh tế Thành phố”, vị này nói và cho rằng, chỉ có đợi đến kỳ hạn tháng 4 mới biết được kết quả “giải cứu” thị trường bất động sản như thế nào.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục