TP.HCM giao đầu mối thực hiện 7 tuyến đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM được UBND Thành phố giao làm chủ đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội.
Hiện nay, TP.HCM mới chỉ có tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác - Ảnh: Anh Quân Hiện nay, TP.HCM mới chỉ có tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác - Ảnh: Anh Quân

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 1195/QĐ-UBND giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố (MAUR) làm chủ đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội.

Danh mục 7 tuyến sẽ đầu tư từ nay đến năm 2035 gồm: tuyến số 1 (Bến Thành - An Hạ); tuyến số 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Củ Chi); tuyến số 3 (Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã sáu Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ); tuyến số 4 (Đông Thạnh - Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước).

Ba tuyến tiếp theo gồm: tuyến số 5 (Long Trường - xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - depot Đa Phước); tuyến số 6 (Vành đai trong); tuyến số 7 (Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu công nghệ cao - Vinhomes Grand Park).

UBND Thành phố giao MAUR đề xuất phương án bố trí vốn cho các dự án đường sắt đô thị giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035; xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hàng năm để đảm bảo tiến độ triển khai.

Đối với những tồn đọng tại metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), UBND Thành phố giao MAUR tập trung xử lý dứt điểm các khiếu nại của nhà thầu liên quan đến hợp đồng và thực hiện đầy đủ các kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Đối với tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hoàn thành các thủ tục kết thúc chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ODA theo đúng quy định.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức khảo sát, lập thiết kế tổng thể (FEED) và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án mới trình cơ quan chuyên môn và người có thẩm quyền để xem xét, phê duyệt.

Theo Đề án phát triển hệ thống metro TP.HCM đã được phê duyệt, trong 10 năm tới Thành phố cần 40,2 tỷ USD để đầu tư 355 km đường sắt đô thị.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 188 với nhiều cơ chế đặc thù vượt trội để làm nhanh các tuyến metro. Chính vì vậy, UBND TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố trong năm 2025 phải tổ chức lại mô hình quản lý đầu tư phù hợp với tình hình mới.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục