TP.HCM: Giá xăng giảm vẫn chưa giúp kéo giá hàng thiết yếu giảm theo

0:00 / 0:00
0:00
Hiện tại giá nguyên liệu đầu vào, nhân công, logistics chưa giảm nên chuỗi cung ứng chỉ đang ở trạng thái bình ổn và chỉ có giá thành sản phẩm một số mặt hàng có tín hiệu giảm nhẹ.
Khách hàng mua sắm tại TP.HCM. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN). Khách hàng mua sắm tại TP.HCM. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN).

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở giai đoạn hiện nay giá xăng dầu đang có xu hướng giảm và dù đã giảm sâu thì cũng chỉ mới tác động giúp bình ổn thị trường giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, chứ chưa đủ sức kéo giảm theo.

Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm được cấu thành từ nhiều yếu tố trong chuỗi từ sản xuất đến cung ứng và cần có độ trễ nhất định trong cơ chế điều chỉnh giá theo biên độ dao động của thị trường.

Sản xuất vẫn gặp khó chi phí đầu vào

Theo các chuyên gia phân tích, trong thời gian qua, dưới ảnh hưởng của giá xăng dầu biến động theo xu hướng tăng cao, nhiều doanh nghiệp cũng không dễ dàng gì trước sức ép tăng giá thành sản phẩm trong bối cảnh sức mua duy trì ở mức thấp.

Điển hình, hội viên Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, cũng như những đơn vị có tham gia chương trình bình ổn giá thị trường của thành phố đã chịu áp lực bình ổn hàng hóa rất lớn.

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng ngoài giá cả xăng dầu, giá thành sản phẩm phẩm còn bị quyết định bởi giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chi phí nhân công, logistics...

Đồng thời, hiện tại giá những khâu này chưa giảm nên chuỗi cung ứng chỉ đang ở trạng thái bình ổn và chỉ có giá thành sản phẩm một số mặt hàng có tín hiệu giảm nhẹ.

Tuy nhiên, một điểm sáng có thể kể đến là đánh giá từ Tổ chức nghiên cứu khảo sát và tư vấn thị trường hàng đầu thế giới Collier cho thấy, Việt Nam là điểm đến đầu tư sáng giá cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) khi so với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Những nghiên cứu thị trường của Colliers cũng chỉ ra rằng, hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang cân nhắc đến ngành F&B vì đây là một trong những mảng bán lẻ thành công nhất ở Việt Nam.

Tương tự, Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cũng dự báo, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Các chỉ số đánh giá và dự báo tăng trưởng khả quan của ngành F&B là mở ra cơ hội cho một chuỗi cung ứng song song cùng với đó như nguồn nguyên liệu, máy móc sản xuất, đóng gói bảo quản, thanh toán, công nghệ số, logictics…

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad) trực thuộc Bộ Công Thương cho hay tuy chưa nhiều nhưng nhìn vào bối cảnh chung thì việc các nhà trưng bày (exhibitors) quốc tế chọn lựa Việt Nam để giới thiệu máy móc, thiết bị và công nghệ mới là một tín hiệu tích cực cho thị trường.

Điển hình, ngành F&B Việt Nam cũng thu hút thêm sự chú ý của nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác như logistics, kho lạnh, thanh toán điện tử, xúc tiến xuất khẩu… cùng tham gia để tạo thành một hệ sinh thái tương hỗ và liên kết chuỗi.

Đồng quan điểm, ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch thường trực Hội thiết bị y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết không riêng gì ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống... mà ngành thiết bị y tế cũng rất cần sớm hình thành lĩnh vực công nghệ phụ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất phục vụ thị trường trong nước.

Đặc biệt, trước thực trạng mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn thành phố cũng như cả nước gặp nhiều thách thức trong thời gian qua.

Hiện nay, nhập khẩu thiết bị y tế chiếm tỷ lệ cao do sản xuất nội địa gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ nội hóa chưa cao, giá thành chưa đủ sức cạnh tranh...

Vì vậy, muốn cải thiện tỷ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất thiết bị y tế thì cần một số ngành cơ khí, quan học, công nghệ phần mềm... tham gia vào chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu đến máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất.

Ở ngành dệt may, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tình hình tiêu dùng tại một số thị trường suy giảm do lạm phát tăng cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU...

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến nguyên phụ liệu đầu vào trong ngành dệt may tăng cao.

Cùng với đó, những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản... vẫn đang áp dụng biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá trong hoạt động xuất khẩu, tình trạng thiếu lao động sau dịch bệnh...

Mức bán lẻ và doanh thu tăng

Liên quan đến tác động của giá xăng đối với thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, báo cáo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố tháng 7 không biến động nhiều so với tháng 6.

Khách hàng mua sắm tại TP.HCM. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN).
Khách hàng mua sắm tại TP.HCM. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2022 đạt 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước.

Đồng thời, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tăng cao ở tất cả các ngành.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 393.286 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, với nhóm tăng cao nhất là vật phẩm văn hóa giáo dục, xăng dầu, may mặc, lương thực-thực phẩm...

Theo Gojek Việt Nam, tình hình hoạt động kinh doanh của các nhà bán hàng trên nền tảng GoFood có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể, với doanh thu trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong nửa đầu năm 2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Người dùng cũng có xu hướng đặt các đơn hàng với tổng giá trị cao hơn, với giá trị trung bình mỗi đơn hàng trên GoFood tăng 23% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Ghi nhận thực tế tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang có tín hiệu "hạ nhiệt" ở một số nhóm mặt hàng hoặc có giá bán bình ổn thông qua chương trình khuyến mãi, giảm giá...

Đặc biệt ngày 1/8 vừa qua, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm với mỗi lít xăng giảm thêm gần 500 đồng và các mặt hàng dầu cũng hạ 710-950 đồng (trừ dầu mazut).

Cụ thể, giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 95 giảm về mức 25.600 đồng (giảm 470 đồng); E5 RON 92 có giá mới là 24.620 đồng (giảm 450 đồng). Đây là lần giảm giá thứ tư liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đồng thời đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 2.

Ở góc độ người tiêu dùng, anh Minh Thành, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ mặt hàng xăng dầu liên tục giảm giá cho phép người dân kỳ vọng giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sớm được kéo giảm theo. Qua đó, người dân sẽ có điều kiện giảm bớt gánh nặng chi sinh phí sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày cho gia đình.

Đồng quan điểm, một số người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với những người dân không đủ điều kiện mua nhà ở gần trung tâm thành phố mà phải sinh sống ở vùng ven nên trong suốt thời gian qua, hàng ngày đi làm phải chịu chi phí xăng dầu cao thì giá xăng dầu giảm là điều rất quan trọng.

Vì khi giá xăng dầu giảm thì người dân không chỉ có điều kiện ổn định đời sống, mà còn có thể tăng cường chi phí chăm lo sức khỏe trước bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục