Chiều 18/7, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang gặp vướng mắc khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.
Việc này thành phố đã báo cáo Bộ Nội vụ, chờ chỉ đạo, hướng dẫn. Thành phố cũng đề xuất trung ương hai phương án sắp xếp các đơn vị hành chính. Một là, vẫn sắp xếp theo đúng quy định - tức nhập 3 phường lại với nhau (dù không đảm bảo được tiêu chí diện tích (Nghị quyết cho phép). Hai là, xét theo yếu tố đặc thù, chỉ nhập 2 phường lại (ngoài quy định).
Liên quan vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến nói thêm, nếu tính theo tiêu chí về diện tích để sắp xếp lại đơn vị hành chính, không có một quận nào ở TP HCM đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn như quận 4 (15 phường, rộng 4,1 km2) chỉ có thể là một phường. Còn xét về tiêu chí dân số, thành phố cũng phức tạp hơn các địa phương khác do có rất nhiều người tạm trú và lưu trú vãng lai.
"Làm việc với Bộ Nội vụ, cũng có ý kiến cho rằng tiêu chí đánh giá đô thị đặc biệt như TP.HCM và Hà Nội thì phải tính theo không gian chứ không chỉ là diện tích mặt đất", ông Tuyến nói.
Theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của phường (thuộc quận) từ 15.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên; xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, căn cứ theo Nghị quyết này, thành phố có tổng cộng 16 phường (trên tổng số 322 phường, xã, thị trấn của 24 quận huyện) phải sáp nhập vì không đạt cả hai tiêu chí trên. Trong đó, quận 2 có 4 phường; quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận mỗi nơi có 2 phường; quận 6, 8 có một phường.
Riêng quận 2 có 3 phường đã bị giải tỏa trắng để xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không còn dân. Do đó, thành phố kiến nghị Trung ương vẫn cho giữ lại vì khi hoàn chỉnh khu đô thị người dân sẽ về.