TP.HCM: Doanh nghiệp tìm giải pháp "đánh thức" tiềm năng du lịch Hóc Môn

0:00 / 0:00
0:00
Hóc Môn với 18 Thôn vườn trầu, Ngã Ba Giồng, chùa Hoằng Pháp và nhiều kênh rạch… là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng và tâm linh.
Một điểm du lịch ở Hóc Môn Một điểm du lịch ở Hóc Môn

Thế mạnh chưa phát huy

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển du lịch Hóc Môn” do UBND huyện Hóc Môn phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mới đây, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Hóc Môn dù chưa có nhiều điểm đến du lịch so với các quận, huyện khác nhưng mỗi sản phẩm đều mang tính độc, lạ.

Huyện có 9 di tích mang nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như Di tích lịch sử cấp quốc gia Dinh Quận Hóc Môn, Ngã ba Giồng, chùa Hoằng Pháp… thu hút hàng chục nghìn du khách đến hành hương mỗi năm. Ngoài ra, các điểm tham quan như 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, vườn cây ăn trái, rau chuyên canh... được nhiều doanh nghiệp hướng đến nhằm kết nối huyện Hóc Môn với Củ Chi và tỉnh Bình Dương để tạo thành chùm tour du lịch.

Trong khi đó, nhiều địa phương đã nhanh chóng ra mắt sản phẩm mới như: “Hóc Môn, trên bến dưới thuyền” và “Hóc Môn, vùng đất lịch sử” được du khách quan tâm. Ngoài ra, các sản phẩm cũ đã được làm mới để phù hợp với xu hướng trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn được phát triển thêm tài nguyên du lịch đường sông. Trong đó, tuyến du lịch dọc theo sông Sài Gòn và liên kết với làng gốm Lái Thiêu, Bình Dương được xem là sản phẩm rất hấp dẫn, cần được địa phương đầu tư phát triển để tạo nên tour du lịch khác biệt với các địa phương khác trong địa bàn TP.HCM.

Đầu tư hạ tầng là giải pháp

Theo ông Hòa, cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sông tại Hóc Môn vẫn còn thấp nên khó tiếp cận du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Hầu như các điểm đến được giới trẻ biết đến thông qua mạng xã hội. Vì vậy, kết nối hạ tầng sẽ rất quan trọng trong việc xây dựng điểm đến tại huyện Hóc Môn.

Tại Đề án Phát triển du lịch Hóc Môn giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng du lịch đường sông đang rất kém phát triển. Điều này đòi hỏi phát triển sức mạnh tại các điểm du lịch để làm tiền đề cho sự phát triển đồng bộ trong thời gian sắp tới.

Theo ông Huỳnh Thế Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Trang, dựa trên kế hoạch của Sở Du lịch TP.HCM về việc phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch, Villa H2O sẵn sàng đầu tư bến tàu du lịch, khu hội nghị và thể thao đủ điều kiện đăng cai các giải cấp khu vực gắn liền với sự phát triển loại hình du lịch thể thao và giải trí. Góp phần tăng thêm thời gian lưu trú của du khách cho ngành du lịch của thành phố nói chung và Hóc Môn nói riêng.

18 Thôn vườn trầu ở Hóc Môn
18 Thôn vườn trầu ở Hóc Môn

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc công ty cổ phần dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch theo hai chủ đề chính: Hóc Môn - Vành đai đỏ của thành phố Sài Gòn trong chiến tranh với các câu chuyện lịch sử và Hóc Môn - Vành đai xanh của TP.HCM với hình ảnh đô thị sinh thái của thành phố mang tên Bác.”

Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, huyện Hóc Môn không nên tập trung quá vào sản phẩm cao cấp, mà tập trung cho chất lượng sản phẩm. Xu khách nước ngoài đi du lịch muốn lưu lại một điểm lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn… nên cần khai thác theo thị hiếu và nhu cầu, đồng thời tăng cường kết nối liên vùng để tăng tốc phát triển cho thời gian tới.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục