UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất, kiến nghị những giải pháp gỡ khó và đảm bảo cung ứng xăng dầu.
UBND TP.Hồ Chí Minh cho hay, từ ngày 1/10 đến nay, trung bình mỗi ngày thành phố có 9-20% trên tổng số 549 cửa hàng bán lẻ nhiên liệu thiếu hụt tạm thời mặt hàng xăng.
Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực nhưng có tình trạng các thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn hàng.
Trước tình hình trên, để đảm bảo bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, phục vụ người dân, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất các cơ quan quản lý có giải pháp điều hành giá tăng, giảm phù hợp với thị trường. Đặc biệt, UBND thành phố cũng đề xuất rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu từ 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ) thay vì 10 ngày như quy định hiện nay (Hiện thời gian điều hành xăng dầu theo quy định là ngày 1, 11 và 21 hàng tháng).
Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành xem xét, nâng tỷ trọng sản lượng xăng, dầu từ nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở.
Về giải pháp duy trì hoạt động chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu, UBND TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tính toán các phương án hỗ trợ doanh nghiệp có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho đại lý, cửa hàng bán lẻ một cách hợp lý, trong đó bảo đảm mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít.
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp xăng dầu trong một giai đoạn nhất định do hiện nay nhiều đơn vị có số nợ thuế lớn.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu quốc hội về thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu, tại phiên chất vấn tại nghị trường quốc hội hôm 5/11, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ nghiên cứu để chỉ đạo sát hơn với tình hình thực tế và diễn biến thị trường thế giới. Nếu 10 ngày không phù hợp thì phải rút xuống 5 ngày, thậm chí là hàng ngày, đồng thời sẽ lấy ý kiến rộng rãi nếu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số đối tượng chịu sự tác động, Bộ sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc kiến nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được nhiều doanh nghiệp nêu trước đó. Theo các doanh nghiệp, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 (sửa đổi), quy định kỳ điều hành giá xăng dầu là 10 ngày/lần, tuy nhiên điều này chỉ phù hợp trong bối cảnh thị trường bình thường.
Còn với thị trường xăng dầu đầy biến động và dị biệt từ đầu năm 2022 đến nay thì cần linh hoạt rút ngắn kỳ điều chỉnh, nhằm phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới, tạo điều kiện các doanh nghiệp đảm bảo được chi phí trong kinh doanh, ổn định nguồn cung cho thị trường khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng.