Phát sinh trung gian
Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Công thương đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, UBND TP.HCM cho hay, còn tồn tại trong công tác quản lý.
Rõ nhất, hiện tại vẫn chưa có sự tập trung đầu mối thống nhất quản lý về các lĩnh vực như: quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động...
Mặc dù 2 Nghị định của Chính phủ có nêu Sở Công thương là cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận hồ sơ, tuy nhiên theo các quy định cao hơn (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai,...) thì các cơ quan chuyên ngành khác sẽ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư...
Do đó, Sở Công thương chỉ là khâu trung gian tiếp nhận hồ sơ của các chủ đầu tư, sau đó chuyển cho các cơ quan chuyên môn để xử lý. Như vậy sẽ làm phát sinh khâu trung gian và kéo dài thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư trong cụm công nghiệp.
Chồng chéo quy định lựa chọn nhà đầu tư
TP.HCM khẳng định, có sự chồng chéo, chưa rõ ràng cụ thể đối với quy định lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, tại 2 nghị định của Chính phủ quy định việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông qua thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư theo thang điểm 100 (không phải đấu thầu).
Trong khi đó, theo khoản 3 điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013: "Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất" nghĩa là các dự án khác có sử dụng đất cũng phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, tại khoản 4 điều 1, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP quy định: phương án phát triển cụm công nghiệp thay thế quy hoạch cụm công nghiệp và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Như vậy quy hoạch chung của tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn mà không phải là phương án phát triển cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, diện tích cụm công nghiệp được quy định không quá 50 ha (giai đoạn 1) và mở rộng giai đoạn 2 không quá 75 ha là tương đối nhỏ nên chi phí và giá thành đầu tư vào cụm công nghiệp cao, tính cạnh tranh thấp.
Trong khi nhu cầu quỹ đất công nghiệp còn nhiều, nhưng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp rất lớn và không có sức cạnh tranh so với đầu tư khu công nghiệp, đồng thời cơ chế hỗ trợ từ ngân sách còn hạn chế. Do đó, ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng.
Một số chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng còn chậm triển khai dẫn đến việc kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp khác trên cùng địa bàn sẽ không thực hiện được do quy định tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp trên cùng địa bàn tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, chưa có sự thống nhất, rõ ràng trong việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Các thủ tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lại mất nhiều thời gian do phải qua nhiều cơ quan chuyên môn thẩm định, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án.
Giải pháp
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công thương xem xét xây dựng mô hình đối với một số tỉnh thành có thể tập trung chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tại khoản c mục 1 Điều 10 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP: “c) Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha”.
Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 2022, TP.HCM có 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.677,5 ha và 2 cụm công nghiệp đã chuyển đổi thành khu công nghiệp với tổng diện tích 222,5 ha (cụm An Hạ 123,5 ha do Công ty Cổ phần - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành làm chủ đầu tư, cụm Cơ khí ô tô Hòa Phú 99 ha do Công ty cổ phẩn Hòa Phú làm chủ đầu tư)
Hiện nay, theo quy hoạch cụm công nghiệp TP.HCM, các cụm công nghiệp thường được quy hoạch chủ yếu ở các huyện ngoại thành, có huyện được quy hoạch 4 đến 5 cụm công nghiệp (huyện Bình Chánh), nhưng tiến độ đầu tư không đồng đều, có cụm công nghiệp được quyết định thành lập trước nhưng chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến việc thành lập các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch trên địa bàn.
Vì vậy cần điều chỉnh điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP theo hướng quy định này chỉ áp dụng đối với các cụm công nghiệp chưa có trong quy hoạch, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; đối với các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch được triển khai thực hiện không áp dụng quy định tại điểm này.
UBND TP.HCM cũng đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp với quy định Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư hiện hành;
Tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; bổ sung các cụm công nghiệp vào danh mục ưu đãi đầu tư; bổ sung lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vào danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư... và điều chỉnh các thủ tục cũng như các quy định về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cho thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan.