TP.HCM chuyển đổi 16,8 ha đất rừng trồng để làm đường vành đai 3

HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương chuyển 16,8 ha đất rừng trồng sang mục đích khác để thực hiện dự án vành đai 3.
Dự án vành đai 3 có tổng mức mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách TP.HCM hơn 24.000 tỷ đồng đã được HĐND TP.HCM thông qua. Ảnh: Trọng Tín.

Ngày 7/4, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp thứ 5 để thảo luận, xem xét và thông qua nhiều tờ trình quan trọng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là thông qua Nghị quyết triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Dự án được thực hiện bằng hình thức đầu tư công kết hợp vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách TP.HCM hơn 24.000 tỷ đồng.

Công trình có tổng chiều dài hơn 91,6 km, riêng chiều dài đầu tư giai đoạn 1 là hơn 76,3 km (với 4 làn xe, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe). Trong đó, chiều dài qua TP.HCM là 47,5 km, Đồng Nai là 11,2 km, Bình Dương là 10,7 km và Long An là 6,8 km.

Do thời gian cấp bách, HĐND TP.HCM cũng thông qua Nghị quyết áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, HĐND Thành phố thông qua chủ trương thực hiện dự án, cam kết cân đối, bố trí vốn ngân sách Thành phố (bao gồm cả phần vốn tăng thêm nếu có) đầu tư các dự án thành phần đi qua địa bàn.

Ngoài ra, HĐND Thành phố cũng thông qua chủ trương chuyển mục đích đất rừng để thực hiện dự án vành đai 3, dự án đi qua địa bàn Thành phố sẽ cần phải giải tỏa 408,81 ha đất tại TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.

Trong số đất giải tỏa, sẽ có 16,82 ha đất rừng ở địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Đây là loại rừng sản xuất, có nguồn gốc hình thành từ rừng trồng. HĐND Thành phố giao UBND Thành phố đảm bảo việc thực hiện quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo UBND Thành phố, việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.

Bên cạnh đó, vành đai 3 cũng mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TP.HCM); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)... Từ đó, tuyến đường chia sẻ áp lực với khu vực nội đô của 4 địa phương, tác động tích cực không gian đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, các xe vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, đông dân cư, tiết kiệm thời gian hành trình, chi phí vận tải, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục