Đó là một trong những thông điệp chính được ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ với ĐTCK.
Năm 2015, TPBank tăng trưởng mạnh, điều gì làm nên sự tăng trưởng của Ngân hàng và liệu mức tăng có quá “nóng”?
Ông Nguyễn Hưng
TPBank tập trung vào các phân khúc khách hàng mà Ngân hàng có thế mạnh, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Các mảng kinh doanh của Ngân hàng đều đạt hiệu quả cao, chất lượng tài sản đảm bảo. Các sản phẩm đưa ra phù hợp với thị trường, cơ chế phù hợp nên tăng trưởng tốt. Trong nội bộ, hệ thống đo lường hiệu quả làm việc minh bạch, công bằng, bộ chỉ tiêu KPI cho cán bộ bán hàng phù hợp và tạo được động lực nên đã thúc đẩy, động viên người lao động thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh doanh.
Tỷ lệ tăng trưởng năm qua, về số tương đối thì có vẻ cao, nhưng số tuyệt đối thì không quá lớn và không có gì đáng quan ngại vì TPBank đã tập trung vào công tác quản trị rủi ro, các khoản cấp tín dụng đều đảm bảo quy định và an toàn, chất lượng các khoản vay tốt và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, Ngân hàng chú trọng đầu tư nguồn lực để xây dựng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro vận hành, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro tiên tiến để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp.
Tín dụng tăng cao nhất hệ thống (40%), nhưng nợ xấu đang ở mức thấp nhất hệ thống (0,6%). TPBank đã xử lý nợ bằng những cách nào?
Đầu năm 2015, TPBank đã có tỷ lệ nợ xấu khá thấp, do vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không giao chỉ tiêu bán nợ cho VAMC năm 2015 cho TPBank, mà chỉ giao tự xử lý 150 tỷ đồng. Theo đó, cuối năm, TPBank đã thực hiện tốt chỉ tiêu này, bằng cách dùng quỹ dự phòng để xử lý nợ, cũng như áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nên số nợ xử lý được tương đối khả quan. Số đã trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ của Ngân hàng chưa tới 1% dư nợ, vì vậy nếu tính cả nợ bán cho VAMC thì tổng nợ xấu của TPBank thấp hơn khá nhiều so với mức chuẩn 3% theo quy định của NHNN.
Ngân hàng số có vẻ như luôn là thế mạnh của TPBank từ những ngày đầu thành lập. Nếu xếp về thứ hạng khía cạnh ngân hàng số, theo ông, TPBank đang đứng ở đâu trong hệ thống?
Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN của NHNN thì mỗi năm, một ngân hàng thương mại không được mở quá 5 chi nhánh, vì vậy việc nhanh chóng mở rộng mạng lưới là không dễ. Trong khi đó, việc phát triển ngân hàng số cho phép TPBank tiếp cận được nhiều khách hàng hơn qua kênh trực tuyến, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng công nghệ mới trong giai đoạn hiện nay. TPBank tự tin đang ở trong nhóm ngân hàng dẫn đầu về ứng dụng và triển khai ngân hàng số. Ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực phù hợp để duy trì vị thế này.
Tại ĐHCĐ diễn ra cuối tuần qua, các chỉ tiêu tăng trưởng TPBank đặt ra cho năm 2016 khá cao, đâu là cơ sở để Ngân hàng đề ra chỉ tiêu? Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang được sửa đổi theo hướng thu hẹp tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống còn 40%, liệu TPBank có bị ảnh hưởng nếu quy định này được ban hành?
Nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan hơn, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của các DN cũng như các ngân hàng. Tại TPBank, khách hàng cá nhân sẽ vẫn là phân khúc chiến lược, nhưng bên cạnh đó, các khách hàng DN cả lớn và nhỏ tiếp tục được Ngân hàng tập trung khai thác phù hợp.
Việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đương nhiên có ảnh hưởng đến các ngân hàng, trong đó có TPBank, vì tỷ trọng vốn huy động trung và dài hạn trong cơ cấu vốn hoạt động của các ngân hàng đều không lớn. Ngân hàng sẽ phải chủ động thay đổi cơ cấu vốn huy động, hoặc giảm cho vay trung và dài hạn, để đáp ứng quy định mới của NHNN nêu trên, nếu được ban hành.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, với các quy định của NHNN về tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thì ngân hàng sẽ phải chủ động cơ cấu sử dụng vốn để đảm bảo hiệu quả, tránh ứ đọng vốn, do vậy việc mua trái phiếu chính phủ cũng là một giải pháp phù hợp. Tuy lợi suất trái phiếu chính phủ không cao, nhưng tính thanh khoản tốt, đồng thời có thể chủ động sử dụng khi tham gia các hoạt động trên thị trường mở.
Được biết, TPBank đang xây dựng Dự án Ngân hàng 5 sao. Ông có thể nói rõ hơn về dự án này?
TPBank được các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá là một trong những ngân hàng có chất lượng dịch vụ khách hàng tốt nhất hiện nay, sánh ngang các ngân hàng nước ngoài danh tiếng. Dù vậy, TPBank vẫn mong muốn cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn, phục vụ các đối tượng khách hàng đa dạng, gia tăng các trải nghiệm và số hoá quy trình giao dịch với khách hàng. Vì vậy, Ngân hàng đang triển khai Dự án Ngân hàng 5 sao để cải tiến quy trình, tăng cường đào tạo, huấn luyện nhân viên, tối ưu hoá nguồn lực... nhằm đưa chất lượng của hoạt động dịch vụ khách hàng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Chúng tôi cố gắng hoàn tất dự án này và triển khai đến tất cả các điểm giao dịch, các kênh giao tiếp khác với khách hàng ngay trong năm 2016.