TP. Hồ Chí Minh xác định mức độ dịch để giãn cách nơi nguy cơ cao

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị người dân bình tĩnh, cảnh giác cao độ, sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng lực lượng chống dịch; thực hiện nghiêm việc giãn cách nơi có dịch.
Một hẻm thuộc ấp Tam Đông 3 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) bị phong tỏa do liên quan đến các ca nghi nhiễm COVID-19. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN). Một hẻm thuộc ấp Tam Đông 3 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) bị phong tỏa do liên quan đến các ca nghi nhiễm COVID-19. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN).

Trưa 27/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, riêng ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận 444 trường hợp mắc chỉ trong 24 giờ.

Hơn 10 ngày qua, số ca lây lan trong cộng đồng lên đến 3 con số. Lũy kế từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận trên 3.000 ca mắc COVID-19. Trong đợt dịch lần này thành phố đã phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất.

Tuy nhiên, tối 26/5, thành phố phát hiện thêm một chuỗi lây nhiễm mới. Đây là chuỗi thứ 3 từ ngày 27/4 đến nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế xác định mức độ dịch bệnh để tiến hành giãn cách xã hội ở những nơi có nguy cơ cao; xác định nguồn lây nhiễm, không để mất dấu vết.

Thành phố cần siết chặt hoạt động của cơ sở tôn giáo, chung cư, nhà cao tầng, mỗi ngày phải xác định người đã đến để phối hợp với ngành y tế truy vết khi có yêu cầu.

Các đơn vị cần thực hiện nghiêm chế độ trực 24 giờ trong ngày, đảm bảo thông tin thông suốt giữa các cấp, sẵn sàng tình huống phát sinh theo phương châm 5 tại chỗ (lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ).

Về giải pháp để hạn chế dịch lây lan, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, tạm dừng hoạt động các nhà hàng trong khách sạn, chỉ phục vụ cho khách đang lưu trú tại khách sạn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo triệt để cấm các hàng quán, trà đá vỉa hè không được bán tại chỗ, chỉ bán cho khách mang về. Thành phố yêu cầu dừng các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng...

Các hoạt động nghi lễ trong nội bộ cơ sở tôn giáo nếu thực hiện thì không tập trung quá 10 người. Thành phố tạm dừng hoạt động các dịch vụ làm đẹp, tiệm cắt tóc.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu, triển khai nhanh Tổ an toàn (chống) COVID-19 tại cơ quan, sở, ngành, thành phố và quận, huyện, đặc biệt là Văn phòng Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, đến ngày 27/5, thành phố ghi nhận 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp.

Thành phố đã truy vết được 67 trường hợp F1, 23 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và 44 mẫu đang chờ kết quả. Ngoài ra, có 336 trường hợp F2, qua xét nghiệm 326 mẫu cho kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Thông tin thêm về chuỗi lây nhiễm mới, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết, sau khi nhận được tin báo có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì trung tâm đã phát hiện thêm hai trường hợp khác dương tính với SARS-CoV-2. Cả 3 trường hợp này đều sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, mầm bệnh có thể đã xuất hiện trước đây, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Hiện các trường hợp F1 đã trải rộng 16 quận, huyện, HCDC cùng các cơ quan liên quan đang tiếp tục truy vết trường hợp liên quan.

Ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng ban Ban Tôn giáo (trực thuộc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết việc sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được cấp phép theo quy định pháp luật. Trên địa bàn thành phố hiện có gần 150 điểm, nhóm sinh hoạt đặc thù giống như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được Ủy ban nhân dân Phường 3, quận Gò Vấp cấp phép sinh hoạt từ năm 2006. Số thành viên đăng ký trước đây là 60 người (hiện nay điểm nhóm đăng ký thành viên nhiều nhất là 200 người). Tuy nhiên, sau thời gian sinh hoạt, số thành viên giảm dần, hiện chỉ còn 28 người đăng ký sinh hoạt.

Hội thánh truyền giáo Phục Hưng sinh hoạt vào Chủ nhật hàng tuần. Từ đầu tháng 5 đến nay, nhóm này đã sinh hoạt 4 đợt vào các ngày 2/5, 9/5, 16/5 và 23/5.

Tổng cộng trong 4 đợt sinh hoạt có 20 người tham gia, đúng quy định giãn cách của thành phố. Tuy nhiên, địa điểm sinh hoạt này có khuôn viên chật hẹp lại nằm trong hẻm nên nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, ngành y tế đang nỗ lực truy vết các trường hợp liên quan, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng các ca bệnh ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lây bệnh lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng ra cộng đồng, vì thế cần có giải pháp phù hợp với tình hình để dập dịch.

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị trước mắt thành phố kêu gọi người dân bình tĩnh, cảnh giác cao độ, sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng lực lượng chống dịch; thực hiện nghiêm việc giãn cách ở nơi có dịch và vùng lân cận.

Ngành y tế cần mở rộng xét nghiệm, truy vết nhanh, sau đó thu hẹp dần khi có căn cứ. Toàn hệ thống chính trị đặt việc phòng, chống dịch lên trên hết. Từng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, phải tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ để thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục