TP.HCM ra mắt Cổng thông tin đăng tải mọi thông tin về Covid-19 trên địa bàn

0:00 / 0:00
0:00
Thông qua công cụ này, người dân TP.HCM có thể tra cứu thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bản đồ phân tích nguy cơ, biểu đồ thi đua mở rộng vùng xanh,…
Số liệu tại Cổng thông tin "covid19.hochiminhcity.gov.vn". Số liệu tại Cổng thông tin "covid19.hochiminhcity.gov.vn".

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa ra mắt Cổng thông tin Covid-19 trên địa bàn, tích hợp thông tin từ các kênh của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố và các dữ liệu, báo cáo từ nhiều cơ quan khác.

Tất cả các thông tin này sẽ được cung cấp tại một địa chỉ duy nhất là https://covid19.hochiminhcity.gov.vn, giúp người dân truy cập, tìm kiếm dễ dàng hơn.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố cho biết, Cổng thông tin này sẽ cung cấp các số liệu công tác ứng phó phòng chống dịch của thành phố đang nỗ lực từng ngày như khoanh vùng, phong tỏa, truy vết; công tác xét nghiệm; công tác tiêm vắc-xin, các hướng dẫn y tế, thông tin phục vụ chăm sóc sức khỏe.

Thêm vào đó, các văn bản điều hành mới nhất của thành phố; kênh góp ý, hiến kế cho công tác phòng chống dịch của Thành phố, các liên kết đến Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đường dây nóng của các trung tâm y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức,…cũng sẽ được đăng tải công khai.

Các thông tin này được cập nhật liên tục từng ngày và trình bày trực quan trên bản đồ thành phố, chi tiết đến từng quận huyện, Thành phố Thủ đức thông qua dữ liệu và báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố và các cơ quan.

Về kết quả sau quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu người dân công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Lâm Đình Thắng cho biết, với Cổng thông tin 1022, kênh 2 là kênh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Thời gian đầu mới vận hành, do cuộc gọi tới tổng đài quá nhiều nên đã xảy ra nghẽn mạng. Sở này đã khắc phục bằng cách ứng dụng 30 rô-bốt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ ngày 30/7.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng đài nhận được 19.767 cuộc gọi. Trong đó, rô-bốt AI đã xử lý hơn 12.000 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 60%; số lượng tổng đài viên tiếp nhận là 7.584 cuộc, tương đương 38%.

Như vậy, bằng ứng dụng công nghệ AI, số lượng cuộc gọi được tiếp nhận từ robot gấp 1,5 lần so với cuộc gọi của tổng đài viên, xử lý được triệt để tình trạng nghẽn mạng.

Thời gian tới, để nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý cuộc gọi, Sở đã có kế hoạch tăng số lượng robot AI lên đến 300. Đồng thời, tăng số lượng tổng đài viên lên từ 40 - 45 người trực trong giờ cao điểm.

Tư vấn trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM.
Tư vấn trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM.

Về việc xử lý thông tin phản ánh, trong 30.000 thông tin cuộc gọi Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM chuyển về cho địa phương, có khoảng 65-75% thông tin đã được xác minh và đáp ứng nhu cầu của người dân, 6 - 35% thông tin cuộc gọi không đủ điều kiện xử lý, số còn lại đang chờ tiếp nhận để xử lý.

"Toàn bộ các cuộc gọi của người dân tới tổng đài 1022 kênh 2, 3 đã được các Công ty viễn thông trong nước hỗ trợ miễn phí cước cuộc gọi", ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.

Với kênh 3 của cổng thông tin 1022 là kênh kết nối y bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người dân, thời gian qua đã tiếp nhận và tư vấn thành công 5.728 cuộc gọi. Trung bình 1 ngày, các y bác sĩ tư vấn 636 người.

Liên quan đến tổng đài 115, tính đến 1 giờ chiều ngày 2/8, trong tổng số các cuộc gọi mà tổng đài đã tiếp nhận, có 89% cuộc gọi đã được đáp ứng nhu cầu của người dân, 10% cuộc gọi bị nhỡ, 1% cuộc gọi gây rối.

Đại diện Sở Thông tin Truyền thông Thành phố khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng năng lực tiếp nhận cuộc gọi, phấn đấu đạt 100% các cuộc gọi đều được tiếp nhận và đáp ứng.

Thị Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục