TP. HCM phát tín hiệu cảnh báo, DN “găm đất” âm thầm tìm đối tác

(ĐTCK) Sau thông điệp mạnh mẽ của UBND TP. HCM đối với các dự án bất động sản chậm triển khai, chủ đầu tư các dự án này cuống cuồng tìm giải pháp, trong đó có cả phương án tìm đối tác để hợp tác đầu tư.
Sắp tới, nhiều dự án tại trung tâm TP. HCM chậm triển có khả năng sẽ bị thu hồi. Ảnh: Lê Toàn Sắp tới, nhiều dự án tại trung tâm TP. HCM chậm triển có khả năng sẽ bị thu hồi. Ảnh: Lê Toàn

Trong văn bản ban hành cuối tháng 4/2016, UBND TP. HCM chỉ đạo, khu trung tâm gồm quận 1 và quận 3 có khoảng 16 khu đất vàng chưa được xây dựng đúng thời gian quy định, chủ đầu tư phải thực hiện đúng nội dung trong giấy phép xây dựng đã cấp.

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo này, nếu chủ đầu tư vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Thành phố sẽ không chấp thuận đầu tư mới đối với các chủ đầu tư trên khi chưa hoàn thành dự án.

Trước nghi ngại của dư luận về việc liệu TP. HCM có tiếp tục “giơ cao đánh khẽ” như trước, lãnh đạo Thành phố cho biết, thời gian tới sẽ “mạnh tay” đối với các dự án “ôm đất chờ thời”.

Cụ thể, theo Sở Xây dựng TP. HCM, với các dự án hết hạn cấp phép hoặc đã tháo dỡ công trình cũ mà không triển khai xây dựng, mà dùng vào việc kinh doanh ăn uống, trông giữ xe…, nếu không xây dựng sẽ bị thu hồi. Còn với những dự án đang xây dựng dở dang, gặp khó khăn về vốn, đang có tranh chấp…, Sở sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đối với từng dự án.

"Rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đang khao khát sở hữu các khu đất vàng, nếu có cơ chế và chính sách phù hợp, những dự án này sẽ được ‘chọn mặt gửi vàng" - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.”

Trước đó, TP. HCM cũng đã họp với một số chủ đầu tư để giải quyết những khúc mắc của dự án. Chẳng hạn như Dự án Saigon One Tower tại nút giao của ba trục đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1). Với tổng vốn đầu tư 256 triệu USD, dự án được khởi công xây dựng từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, dự án xây đến tầng 41 thì “án binh bất động”. Trong buổi làm việc với Thành phố, chủ đầu tư dự án này đã thống nhất sẽ tái khởi động dự án vào đầu năm 2016.

Hay như khu đất nằm ở Ngã ba Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (quận 1), có diện tích 13.110 m2 do liên doanh Thái Sơn trúng thầu từ năm 2007, nhưng sau đó dự án được trả lại vì trục trặc tài chính. Mới đây, dự án này đã về tay liên danh Jimiro (Hàn Quốc) và Công ty Đại Tân Phú. Liên danh này đang có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 khối cao ốc, gồm tòa nhà văn phòng 55 tầng, khách sạn 5 sao 30 tầng và trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD sẽ được thực hiện dưới sự hợp tác của các tập đoàn tín dụng lớn của Hàn Quốc.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, TP. HCM hiện có 137 dự án đang tạm ngừng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm khoảng 11,2% tổng số dự án. Nhiều khả năng, các dự án bị UBND TP. HCM ra “tối hậu thư” nằm trong số này.

Theo một số chuyên gia, việc thị trường xuất hiện các đại gia cả trong nước và nước ngoài đang “thèm thuồng” các khu đất vàng trung tâm sẽ tạo cơ sở để TP. HCM mạnh tay với các doanh nghiệp “găm đất”. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thay vì rút giấy phép xây dựng, Thành phố nên mở ra cơ chế mua bán, chuyển nhượng những dự án này.

“Rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đang khao khát sở hữu các khu đất vàng, nếu có cơ chế và chính sách phù hợp, những dự án này sẽ được ‘chọn mặt gửi vàng’”, ông Châu nói.

Thực tế, trước tín hiệu mạnh mẽ phát đi từ UBND TP. HCM, nhiều chủ đầu tư có dự án ở trung tâm Thành phố chậm triển khai cũng đang âm thầm tìm kiếm đối tác để phát triển dự án.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một số chủ đầu tư có dự án đất vàng chậm triển khai cho biết, khi thị trường bất động sản ấm lên, không còn lý do gì để ôm đất, nếu không triển khai, khả năng dự án bị thu lại là rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang có những khó khăn nhất định, nhất là về tài chính, nên đang hướng đến giải pháp tìm đối tác để hợp tác đầu tư.

“Việc tìm đối tác trong hoàn cảnh đang ở chân tường hiện này rất dễ bị ép, nhưng nếu không làm thì dự án sẽ bị thu hồi và chúng tôi sẽ mất khoản chi phí đầu tư ban đầu”, lãnh đạo một doanh nghiệp có dự án chậm triển khai ở quận 3 chia sẻ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trung Kiên
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục