TP. HCM: Lợi nhuận các ngân hàng ước bằng 30% năm 2011

Lợi nhuận của các ngân hàng tại TP. HCM giảm mạnh do tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, tái cơ cấu hệ thống và thay đổi chính sách.
TP. HCM: Lợi nhuận các ngân hàng ước bằng 30% năm 2011

Trong cả năm 2012, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM ước tính chỉ bằng 30% so với năm 2011, theo báo cáo tổng kết tình hình 2012 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM. Theo báo cáo này, thậm chí nhiều ngân hàng có thể có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2012.

 

Lý giải các nguyên nhân, theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 kinh tế đối mặt nhiều vấn đề là hệ quả các năm trước, như, tăng trưởng GDP hằng năm luôn trên 7%, tăng trưởng tín dụng luôn trên 30%, có năm tăng 49%, phần lớn GDP tăng nhờ tín dụng, lượng tiền bỏ vào nền kinh tế lớn nên lạm phát cao. Khi kinh tế thế giới suy thoái, thì Việt Nam ngay lập tức bị ảnh hưởng. Hệ thống bị tổn thương nhiều nhất, trực tiếp nhất là hệ thống ngân hàng.

 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại đứng trước yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, vốn chưa có tiền lệ nên không dễ làm, thứ ba là chính sách quản lý vàng, tỷ giá, cũng có nhiều thay đổi. Tất cả những điều này diễn ra trong cùng một năm là 2012, gây nên sự xáo trộn và khó khăn cho ngành ngân hàng.

 

Việc ngân hàng không có nhiều lợi nhuận cũng phù hợp với việc tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 7% trong năm 2012, một lượng vốn lớn dành cho doanh nghiệp đã không có, trong khi nguồn thu chính của các ngân hàng là thu nhập lãi thuần.

 

Theo vị lãnh đạo trên, trong năm 2013, lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn cũng sẽ chưa tăng mạnh. Vì các vấn đề cần xử lý như nợ xấu, tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp và bất động sản đóng băng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là ngân hàng không được để phát sinh thêm nợ xấu, tìm các phương án giải quyết các khoản nợ tồn đọng, và tăng cường cho doanh nghiệp vay để cùng vượt qua khó khăn.

 

Ông này cũng cho rằng, dù năm 2013 sẽ không còn khống chế dư nợ cho vay đối với bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng. Nhưng đồng thời cũng không có trần để khống chế lãi suất cho vay đối với 3 nhóm ngành trên. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán đã khát vốn trong cả năm 2012, nếu bơm vốn quá nhanh, quá mạnh với lãi suất cao, 15-17%/năm, thì khả năng “bội thực rồi chết luôn” là có. Vì vậy, ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp trong các nhóm trên vẫn phải cân nhắc kỹ để tín dụng vẫn chảy nhưng nợ xấu không phát sinh thêm.


TBKTSG

Tin cùng chuyên mục