TP.HCM hoàn tất chiến dịch tiêm chủng với tốc độ nhanh gấp 10 lần thông thường

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần.
Ông Dương Anh Đức tại cuộc họp báo. Ông Dương Anh Đức tại cuộc họp báo.

Chiều 28/6, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine đã hoàn tất và có thể xem là nhanh gấp 10 lần thông thường.

Tại cuộc họp báo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất đã cơ bản hoàn tất trong vòng 1 tuần.

Mặc dù thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần. Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của không chỉ là nhân viên y tế mà của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố.

Ông Đức cho rằng một trong những nguyên nhân kế hoạch bị chậm do khâu tổ chức chưa đồng bộ giữa các đơn vị, còn có sự hấp dẫn quá lớn của vaccine nên bà con nhiệt tình đến sớm, khiến cho việc tập trung vào đầu giờ gặp khó khăn.

Tính đến chiều 28/6, đã có 731.984 người được tiêm (trong số khoảng 830.000 đến tiêm) và có 96.196 người sau khi khám sàng lọc thì chưa đáp ứng điều kiện sức khỏe để tiêm. Bên cạnh đó, các trường hợp phản vệ sau tiêm được xử lý, theo dõi chặt chẽ, không có một trường hợp nào đáng tiếc xảy ra, thể hiện năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê, có hơn 900.000 người nằm trong đối tượng ưu tiên được tiêm lần này, tuy nhiên, do một số người chưa muốn tiêm, còn nhiều người nằm trong nhóm yếu thế với số lượng khá đông nhưng nhiều người về quê, đã không tham gia tiêm.

Về tình hình chống dịch trên địa bàn, TP.HCM vẫn kiên định những phương án đã đề ra với phương châm thần tốc, truy vết bao phủ trên diện rộng nhưng cách ly diện hẹp tập trung.

Vì vậy, thời gian qua một số địa phương được áp dụng các biện pháp linh hoạt khác nhau như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, phong tỏa toàn diện… vừa đảm bảo duy trì cuộc sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, đồng thời khoanh vùng được ở những nơi có nhiều F0.

Chiến dịch tiêm vaccine cơ bản hoàn tất. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Chiến dịch tiêm vaccine cơ bản hoàn tất. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Cũng theo ông Đức, qua việc lấy mẫu tầm soát trên diện rộng và test có trọng tâm trọng điểm 1 số nơi, lấy mẫu 100% ở nơi có nguy cơ cao và lấy ngẫu nhiên ở một số nơi chủ động tầm soát, đã phát hiện được F0 nằm ở 2 dạng, chiếm nhiều nhất là phát hiện trong khu cách ly, khu phong tỏa và các ca được phát hiện thông qua tầm soát người dân khám bệnh ở bệnh viện.

Về giải pháp chống dịch sắp tới, ông Đức cho biết TP.HCM phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ, chia làm 3 nhóm: Nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ.

Theo lãnh đạo UBND TP, Bộ Y tế chia 4 cấp độ nguy cơ nhưng TP gộp “nguy cơ thấp” vào nhóm “có nguy cơ”, nhằm tăng cường cảnh giác cao độ cho các địa phương, không lơ là chủ quan trước tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ đó các địa phương sẽ phải đánh giá, có biện pháp chống dịch phù hợp.

"Thứ nhất mỗi địa phương phải đánh giá đến quy mô cấp phường, cấp thấp hơn, nắm rõ tình hình địa phương cấp mình để có biện pháp giải quyết. Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo các biện pháp, bước kiểm soát được rà soát kỹ càng, thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 10 mà Chủ tịch UBND TP đã ký ban hành" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục