TP.HCM: Còn doanh nghiệp lữ hành chưa được cấp phép, hướng dẫn viên thích làm tự do

0:00 / 0:00
0:00
Có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành nhất nước, nhưng ở TP.HCM, còn không ít doanh nghiệp chưa được cấp phép, phần lớn hướng dẫn viên có thẻ hành nghề không ký hợp đồng chính thức.
Thượng tá Nguyễn Thanh Tú báo cáo Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 (Ảnh: TH). Thượng tá Nguyễn Thanh Tú báo cáo Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 (Ảnh: TH).

Công khai quảng cáo dù chưa được cấp phép

Theo Báo cáo Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, số lượt khách nước ngoài khai báo tạm trú trên địa bàn Thành phố tăng qua từng năm.

Trung bình từ 2016 đến hết năm 2019 có hơn 3.500.000 lượt khách khai báo tạm trú mỗi năm.

Công an Thành phố và Sở Du lịch đã phối hợp trong công tác kiểm 114 cơ sở kinh doanh lưu trú, phát hiện 89 cơ sở vi phạm với các lỗi phổ biến như không thông báo lưu trú, không duy trì điều kiện với khách sạn đã được xếp hạng sao, không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về việc thay đổi người đại diện, không niêm yết giá công khai...

Tính đến tháng 09/2020 trên địa bàn TP.HCM có 836 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 148 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 71 chi nhánh-văn phòng đại diện, 76 đại lý lữ hành, 14 công ty liên doanh và 20 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài.

Với số lượng đông đảo doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lữ hành tại TP.HCM (chiếm tỷ lệ cao nhất trên cả nước) được cho là một trong những nhân tố quan trọng, thúc đẩy du lịch nội địa và du lịch quốc tế góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch Thành phố.

Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Trưởng phòng An ninh Đối ngoại Công an TP.HCM cho biết, hiện vẫn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lữ hành chưa được cấp phép, vẫn công khai kinh doanh quảng cáo, chào bán sản phẩm du lịch giá rẻ, kém chất lượng, với hình thức trả tiền qua mạng không bảo đảm quyền lợi của du khách.

Cùng với đó, có tình trạng không ít doanh nghiệp lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cho người nước ngoài mà chỉ tập trung vào việc bảo lãnh cho du khách nhập cảnh.

Qua kiểm tra thực tế đã có rất nhiều trường hợp sử dụng thị thực du lịch sai mục đích, thậm chí lao động chui, tổ chức đánh bạc trực tuyến hoạt động lừa đảo...

Ngoài ra, vẫn có một số doanh nghiệp lữ hành có hành vi lừa đảo khách du lịch, tình trạng khách Việt Nam lợi dụng du lịch nước ngoài và trốn ở lại vì nhiều mục đích khác nhau, tập trung chủ yếu là tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Công an TP.HCM đã điều tra, khởi tố 01 doanh nghiệp lừa đảo khách du lịch, 01 doanh nghiệp lợi dụng việc cấp visa Quan Hồng làm giả hồ sơ cho người Việt xuất cảnh Đài Loan, trốn ở lại bất hợp pháp.

Theo thống kê của Sở Du lịch, trên địa bàn Thành phố hiện có 5.582 hướng dẫn viên đang hành nghề, trong đó có 3.422 hướng dẫn viên quốc tế và 2.160 hướng dẫn viên nội địa.

Phần lớn số hướng dẫn viên có thẻ hành nghề thường hoat động tự do, không ký hợp đồng chính thức với các công ty lữ hành nên công tác quản lý thường gặp khó khăn.

Vẫn còn tình trạng mất cân đối về ngôn ngữ trong cộng đồng hướng dẫn viên quốc tế (nhiều nhân sự biết các ngôn ngữ phổ biến như Anh, Hoa, Pháp... nhưng thiếu nhân sự biết những ngôn ngữ như Hàn Quốc, Nhật, Ý...

Điều này đã tạo kẽ hở cho một số người (kể cả người nước ngoài) hoạt động hướng dẫn viên chui.

Du khách nước ngoài trước tham quan tại TP.HCM hồi tháng 3/2020 (Ảnh: Hồng Phúc).
Du khách nước ngoài trước tham quan tại TP.HCM hồi tháng 3/2020 (Ảnh: Hồng Phúc).

Liên quan đến việc cấp thẻ Hướng dẫn viên, đáng chú ý là việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, Thượng tá Nguyễn Thanh Tú cho biết, trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng mạnh do các đối tượng đã lợi dụng Quy định về thời hạn cấp thẻ hướng dẫn viên theo Luật Du lịch ban hành 2017, trong thời ngắn (15 ngày) cơ quan chức năng không đủ thời gian thẩm tra, xác minh văn bằng.

Từ năm 2016-2019, Công an và Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp phát hiện 940 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài, đã điều tra khám phá 484 vụ, bắt 297 đối tượng có liên quan, đang xác minh điều tra 61 vụ, 04 đối tượng.

Trên thực tế, khách du lịch nước ngoài bị xâm hại tài sản nhiều hơn với số vụ việc do cơ quan công an thụ lý, do các nguyên nhân như khách không khai báo, ngại khai báo vì không đủ chứng cứ.

Ngoài ra, tình hình người nước ngoài tạm trú và lợi dụng du lịch vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu gia tăng.

Nếu năm 2016, có 58 đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, buộc trục xuất với hành vi phổ biến là quá hạn thị thực du lịch thì năm 2019, Công an Thành phố đã bắt giữ, xử lý 315 đối tượng người Trung Quốc (Đài Loan), 133 đối tượng có quốc tịch các nước Châu Phi, 93 đối tượng Hàn Quốc và 140 đối tượng các quốc tịch khác.

Các đối tượng này tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, tổ chức các cược thể thao, trò chơi qua mạng, gọi điện giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy...

“Đáng chú ý, thời gian gần đây phát hiện nhiều người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép từ biên giới phía Bắc đến TP.HCM”, Thượng tá Nguyễn Thanh Tú nói.

Thị Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục