TP.HCM: Chuyện tiền, cơ chế và năng lực lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
Trong buổi làm việc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 13/5, TP.HCM vừa kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022 - 2025 từ 18% lên 23%.
TP.HCM chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp, 1/4 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ảnh: Đ.T TP.HCM chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp, 1/4 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ảnh: Đ.T

Tranh luận quanh những con số

Mức tăng thêm 5% dẫn đến nhiều luồng quan điểm trái chiều.

Luồng quan điểm thứ nhất là của một số chuyên gia lâu nay vẫn kêu gọi tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM. Những luận điểm của luồng quan điểm này xoay quanh 2 vấn đề chủ yếu.

Thứ nhất, ngân sách của TP.HCM chỉ đủ cho những nhu cầu cấp thiết hằng ngày, chứ chưa nói đến nhu cầu đầu tư và phát triển. Điều này không tương xứng và cũng không tạo điều kiện cho nhu cầu phát triển cấp thiết của TP.HCM, trong đó cấp thiết là tình trạng quá tải về hạ tầng như đường sá, cầu cống, đầu tư cho mạng lưới logistics, các tuyến metro…

Thứ hai, có sự bất bình đẳng trong phần đóng góp và phần chia lại ngân sách. Một số chuyên gia dẫn ra rằng, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%), nhưng tỷ lệ được phân chia lại ngân sách thấp nhất nước (18%).

Theo Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, tỷ lệ phần trăm được điều tiết giữ lại 18% của TP.HCM quả thật là “đội sổ”, quá thấp so với các tỉnh, thành phố có mức độ phát triển kinh tế và đóng góp ngân sách lớn như Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%).

Nộp nhiều mà nhận được ít, thì đề nghị tăng lên cũng là hợp lý, chưa kể tỷ lệ phân chia này trước năm 2017 vốn dĩ cao hơn mức 18%, nên bây giờ, chẳng qua là tăng lại như cũ mà thôi.

Ở phía luận điểm ngược lại, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, tỷ lệ 23% là quá cao, bởi thành phố này đang được hưởng nhiều khoản thu khác, đáng lý không thuộc về mình. Có luận điểm rằng, do mức độ tập trung kinh tế quá lớn vào một số trung tâm và chênh lệch phát triển giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố khác, nên có nhiều nhóm thuế tập trung vào TP.HCM, trong khi hoạt động kinh tế có sự tham gia của địa phương khác.

Chẳng hạn, nhóm thuế phải điều tiết (giữ lại 18%, trả về Trung ương 82%) như thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt không phải hoàn toàn là hoạt động kinh tế của Thành phố. TP.HCM hưởng lợi từ việc có gần 1/3 tổng số doanh nghiệp cả nước, 1/4 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước diễn ra trên địa bàn, trong khi những hoạt động đó có đóng góp của cả địa phương khác. Như vậy, nếu tăng lên 23% là quá cao.

Cần một cách tiếp cận tổng thể hơn

Nếu hiểu việc điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành phố như một cách “chia bánh”, thì không có cách nào có thể đảm bảo công bằng 100%. Chẳng hạn, tranh luận về chuyện hoạt động kinh tế ở chỗ nào cũng có lý của nó, nhưng nếu tính như vậy, thì cũng phải tính rằng, hạ tầng kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng “gánh” thay cho hạ tầng các tỉnh khác, vì các hoạt động kinh tế chủ yếu diễn ra ở đây, doanh nghiệp tập trung trụ sở ở đây. Vậy làm sao đảm bảo công bằng 100%?

Cách tiếp cận hợp lý hơn là tiếp cận tổng thể. Để lại cho TP.HCM nhiều tiền hơn, để thành phố này chi cho các dự án hạ tầng cấp thiết, những dự án mũi nhọn như đô thị thông minh, trung tâm tài chính quốc tế, nhằm tạo ra động lực mới có thể kéo cả vùng kinh tế Đông Nam bộ và tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế cả nước, thì nên làm.

Vấn đề nằm ở chỗ “có thể” và câu hỏi là nên để lại bao nhiêu. Nếu nói đơn giản, TP.HCM là trung tâm tạo ra số nhân để đẩy hoạt động kinh tế cả nước lên, thì cần thêm tiền cho họ, vậy chẳng phải cứ đưa hết tiền cho TP.HCM thì là tối ưu cho cả nước sao? Cho nên, lý luận rằng, cần chi tiền vào chỗ tạo ra tính khuếch đại và hiệu quả của đồng tiền cao nhất là đúng, nhưng chưa đủ. Cái cần nằm ở chỗ, mức tối ưu là bao nhiêu, vì sao là 23%, mà không phải 33%, hay 43%, hay cao hơn? Cân bằng tổng thể của ngân sách được lợi bao nhiêu, kịch bản thế nào, thì phải tính toán cho kỹ.

Vì vậy, cách tiếp cận so đo giữa nộp ngân sách nhiều, mà nhận lại chi ngân sách ít không phải là một cách tiếp cận đúng. Cách tiếp cận đúng là cần phải công bố một đánh giá kinh tế - xã hội cho thấy tỷ lệ giữ lại tối ưu là bao nhiêu thì đem lại những lợi ích gì cho ngân sách nói riêng và những chỉ tiêu phát triển trọng yếu nói chung của Việt Nam (bao gồm tăng trưởng kinh tế, sức khỏe cộng đồng, đảm bảo phát triển bền vững…). Thế rồi, căn cứ vào đó để xác định tỷ lệ giữ lại tối ưu.

Tiền chỉ là một phần của bài toán “chiếc áo quá chật”, con người và cơ chế mới là mấu chốt

Gần đây, tôi có đọc một bài báo, trong đó, TS. Trần Du Lịch phát biểu rằng, TP.HCM đang mặc một chiếc áo quá chật so với một cơ thể đang lớn nhanh, trong đó đề cập vấn đề bất cập về kết cấu hạ tầng, quy hoạch đô thị và nhất là bất cập trong mô hình quản lý một đô thị "loại đặc biệt".

Rất khó biện minh cho sự tụt lại phía sau hoàn toàn là do việc thiếu tiền hay thiếu cơ chế. Chất lượng lãnh đạo, yếu tố con người đóng vai trò thiết yếu ở đây. TP.HCM đã tụt lại phía sau về tính cạnh tranh là sự thật. Và trách nhiệm người lãnh đạo là khó tránh.

Tôi rất đồng ý với góc nhìn này. Vấn đề TP.HCM thiếu tiền là thật. Nhưng nó còn “đói” một cơ chế quản lý đô thị phù hợp với trình độ phát triển và tham vọng dẫn đầu trong chuyển đổi số và trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Mô hình quản lý đô thị, tổ chức chính quyền và đặc biệt là việc thiếu tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các quyết định đầu tư, giải ngân, nhân sự đều đang bộc lộ những trở ngại cho đầu tàu kinh tế cả nước này bứt phá.

Thế nhưng, nói đi phải nói lại, những đại án ở TP.HCM vừa qua liên quan đến các lãnh đạo cao cấp của Thành phố cũng cho thấy, Trung ương có lý do để lo ngại trong việc trao quyền tự chủ hơn nữa cho TP.HCM. Làm sao đảm bảo TP.HCM không biến thành một “sứ quân” mà quyền lực của một bộ phận lãnh đạo bị tha hóa trở nên quá lớn. Quyền lực càng lớn, thì cám dỗ và rủi ro tha hóa càng lớn. Đó là một vấn đề.

Một vấn đề khác, lãnh đạo của TP.HCM trong thời gian trước, ngoài những vấn đề liên quan đến đại án kinh tế, thì còn có câu hỏi về năng lực. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của TP.HCM liên tục thấp trong nhiều năm không thể chỉ vì được giữ lại ngân sách thấp hay là bị “trói tay”, “trói chân”. Những tỉnh, thành phố liên tục ở hạng cao như Quảng Ninh, Đồng Tháp cũng có cái khó của họ.

Các chỉ số như tính minh bạch, tính năng động hay dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều cho thấy sự tụt hậu của TP.HCM so với nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, hay ngay cả so với Thủ đô Hà Nội. Rất khó biện minh cho sự tụt lại phía sau này hoàn toàn là do việc thiếu tiền hay thiếu cơ chế. Chất lượng lãnh đạo, yếu tố con người đóng vai trò thiết yếu ở đây. TP.HCM đã tụt lại phía sau về tính cạnh tranh là sự thật. Và trách nhiệm người lãnh đạo là khó tránh.

Như vậy, muốn đạt được những tham vọng của TP.HCM cũng như tối ưu hóa những khoản tiền sẽ được tăng thêm hay cơ chế được cho phép, TP.HCM cần một luồng gió mới về nhân sự.

Lời kết

Việc TP.HCM cần thêm tiền là điều mà số đông chuyên gia trong và ngoài nước đều ủng hộ. Nhưng tỷ lệ điều tiết bao nhiêu là tối ưu, thì cần những bằng chứng phân tích rõ ràng hơn nữa và được phản biện đầy đủ về phân tích chính sách công hơn nữa. Quan trọng hơn, có tiền thôi không đủ. TP.HCM cần một chiếc áo rộng hơn để thích ứng với một cơ thể đã lớn nhanh. Vấn đề là chiếc áo mới cần được phủ lên một cơ thể khỏe mạnh hơn, với trái tim và khối óc cũng được làm mới.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục