FLC-ROS: Nóng sau dự án Casino đầu tiên cho người việt.
Trong tuần giao dịch vừa qua, trong khi FLC trở thành quán quân về khối lượng giao dịch toàn sàn thì ROS lại trở thành cổ phiếu có tổng giá trị giao dịch lớn nhất, hơn 3.120 tỷ đồng.
Câu chuyện của FLC và ROS nóng sau khi công bố thông tin về dự án 2 tỷ USD có Casino đầu tiên cho người Việt chơi tại Quảng Ninh.
Cụ thể, ngày 17/3/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Vân Đồn (thành viên của Tập đoàn FLC) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại Vân Đồn, Quảng Ninh với tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD trên diện tích 4.000 héc ta.
Đặc biệt, đây sẽ là dự án có casino đầu tiên có thể cho người Việt Nam vào chơi, kỳ vọng thu hút lượng khách lớn và giúp tăng trưởng kinh doanh cho toàn bộ dự án.
Như vậy, đây là dự án thứ 3 của tập đoàn FLC và FLC Faros tại Quảng Ninh bên cạnh FLC Hạ Long và tháp đôi FLC Hạ Long đã và đang triển khai trước đó.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, FLC ghi nhận doanh thu hơn 6.300 tỷ, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 979 tỷ. So với năm 2013 - năm đầu tiên niêm yết trên sàn HOSE, doanh thu của FLC đã tăng gấp 3,64 lần và lợi nhuận sau thuế gấp 2,78 lần.
Còn với ROS, năm 2016 cũng là năm kinh doanh khá thành công với doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 264% và 305% so với 2015, các chỉ tiêu tài sản, nguồn vốn đều tăng mạnh.
Trong kỳ cơ cấu quý I mới kết thúc của quỹ FTSE Vietnam ETF, ROS cũng được thêm vào danh mục với 3,18 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 9,18%, tương ứng giá trị 22,37 triệu USD.
Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC, FLC Faros và ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (giữa) trong chuyến khảo sát đầu tư tại đảo Ngọc Vừng
Với hàng loạt dự án lớn đang được triển khai và dự án đầu tư quy mô lớn tại Quảng Ninh, hầu hết nhà đầu tư đều đánh giá cao khả năng FLC và ROS giữ vững tốc độ tăng trưởng mạnh như những năm qua và duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng - du lịch trong nước.
Đánh giá về ROS, CTCP Chứng khoán Artex cho rằng: “Bên cạnh kết quả hoạt động kinh doanh có sự tăng trưởng nổi bật, thì quá trình định hướng chiến lược hoạt động và tái cấu trúc tài chính đang được thực hiện quyết liệt, có sự gắn kết chặt chẽ”.
HAG - HNG: Chinh phục thành công ngưỡng mệnh giá.
Bộ đôi cổ phiếu HAG – HNG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai và CTCP Nông Nghiệp Quốc Tế Hoàng Anh Gia Lai trên sàn HOSE cũng nằm trong top thu hút sự chú ý khi khối lượng khớp lệnh tăng mạnh và chinh phục thành công mệnh giá trở lại sau hơn 1 năm giao dịch dưới ngưỡng này.
Năm 2016 được xem là năm gian nan của HAG - HNG khi các mảng hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn, áp lực lãi vay đè nặng khiến cả hai cùng trải qua năm thua lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết.
Tuy nhiên, dù đón nhận thông tin lợi nhuận tiêu cực, từ cuối tháng 1.2017 đến nay, cả HAG-HNG đều ghi nhận chuỗi tăng giá ấn tượng.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nguyên nhân đến từ việc HAG đạt được những bước tiến trong quá trình cơ cấu nợ và kỳ vọng kết quả kinh doanh phục hồi trong 2017.
Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu của HAG đã được các chủ nợ đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm với thời hạn trả nợ từ cuối năm 2021 đến năm 2026.
Với HNG, công ty cũng đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ.
Cổ phiếu HAG -HNG lấy lại độ bật rất mạnh từ những kỳ vọng không dễ đạt của Hoàng Anh Gia Lai
Theo báo cáo tài chính của HAG, tính đến ngày 31.12.2016, tổng dư nợ của HAG đạt 36.100 tỷ, chiếm 68% tổng nguồn vốn, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đạt 2,13 lần. Chi phí lãi vay trong năm vượt 1.500 tỷ là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh thua lỗ dù doanh thu đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong cảnh tương tự, chi phí lãi vay của HNG năm qua cũng lên đến hơn 700 tỷ, gấp 1,4 lần lợi nhuận gộp và khiến công ty lỗ gần 1.000 tỷ. Dư nợ vay cuối kỳ gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Dù trước mắt, việc đàm phán gia hạn nợ thành công không giúp doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay nhưng sẽ giúp HAG – HNG có thêm thời gian cơ cấu lại các mảng hoạt động, giảm áp lực lên dòng tiền trong ngắn hạn, điểm tích cực của HAG-HNG là dòng tiền hoạt động kinh doanh thu về rất lớn, với HAG đạt hơn 3.400 tỷ và HNG hơn 2.200 tỷ trong năm 2016, đây là cơ sở quan trọng để cả 2 từng bước để giảm dần nợ vay.
Mặt khác, dù giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã giảm 29% so với đỉnh điểm cuối tháng 1.2017, tuy nhiên so với cuối quý 3 năm ngoái, vẫn còn cao hơn gần 67%. Giá cao su hồi phục mạnh kỳ vọng giúp mảng cao su của HAG - HNG vượt qua thời kỳ khó khăn, góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Trong trường hợp xấu nhất là HAG phải bán đi một phần diện tích trong số gần 40.000 ha cao su hiện có tại Campuchia để trang trải nợ lần như chia sẻ tại ĐHCD tháng 9/2016 thì cũng được giá cao hơn.
Cổ phiếu ngân hàng: Sacombank nóng với đề án tái cấu trúc.
Trong khi dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận những giao dịch tích cực suốt tuần qua và là động lực quan trọng giúp VN-Index vượt mốc 720 điểm. Trong đó, đáng chú ý là câu chuyện tái cơ cấu của Sacombank.
Theo một số thông tin báo chí đăng tải, trong tuần qua, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã nhận được văn bản đề xuất tái cơ cấu Sacombank của nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công.
Ông Đặng Văn Thành xuất hiện trở lại trong hình bóng của Sacombank
Theo đó, trước tiên Sacombank sẽ được bổ sung nguồn tài chính thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng nhằm cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động. Kế đó, một hội đồng xử lý nợ sẽ được thành lập, tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng.
Bước tiếp theo, Sacombank sẽ sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.
Thông tin về đề án cơ cấu của STB đã nhanh chóng được nhà đầu tư liên hệ với chia sẻ của ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank hồi đầu năm: “Đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác còn muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu)”.
Đón nhận thông tin này, thị giá STB trên sàn đã nhanh chóng vượt ngượt ngưỡng 11.400 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất trong gần một năm trở lại đây khi chỉ 1 tháng trước đó, STB liên tục giảm mạnh sau khi NHNN ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê - nguyên phó Chủ tịch HĐQT và ông Trầm Khải Hòa - nguyên thành viên HĐQT tại ngân hàng này.
Một điểm cũng được thị trường lưu ý là sau khi hoàn tất sát nhập Ngân hàng Phương Nam từ tháng 9.2015, STB là trường hợp đặc biệt khi chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2015 mà mới chỉ có báo cáo tự lập.
Chính điều này đã khiến thị trường lo ngại STB có thể rơi vào diện cảnh báo nếu tiếp tục không công bố báo cáo tài chính 2016 kiểm toán, nếu điều này xảy ra, cổ phiếu sẽ bị đưa ra khỏi danh mục được phép ký quỹ.
Trong thời gian vừa qua, một số công ty chứng khoán đã chủ động giảm tỷ lệ hỗ trợ vốn đối với STB. Các cổ đông đang chờ đợi, sau khi các vấn đề với Phương Nam được giải quyết dứt điểm, STB có thể sớm công bố báo cáo kiểm toán, một mặt giúp giải quyết nỗi lo dòng tiền margin, mặt khác giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn về tình hình tài chính của ngân hàng.
Ngày 28/04 tới đây, Sacombank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017, thị trường đang kỳ vọng những thông tin về đề án cơ cấu sẽ được chia sẻ chi tiết tại đại hội lần này, bên cạnh đó là ban lãnh đạo mới và những tin tức thêm về các đối tác trong và ngoài nước đang giành sự quan tâm đến ngân hàng.