Top 3 ngành có hoạt động M&A sôi nổi nhất từ đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động M&A Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 được đánh giá là có sự tăng trưởng so với năm 2022 nhưng vẫn giảm sâu so với giai đoạn trước. Trong đó, tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ tài chính và bất động sản là 3 ngành có hoạt động M&A sôi nổi nhất. 
Top 3 ngành có hoạt động M&A sôi nổi nhất từ đầu năm 2023

Talkshow “Tâm điểm của thị trường M&A Việt Nam" do Báo Đầu tư thực hiện ngày 15/11, đã có cuộc trao đổi với hai diễn giả: bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ ASART và bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam.

Năm 2023, nền kinh tế thế giới có những điểm nào đáng chú ý ảnh hưởng đến các doanh nghiệp?

Bà Bình Lê: Về thế giới, nhìn chung nền kinh tế bị chặn lại từ quý IV/2022 và dự phóng kéo dài đến hết năm nay, thậm chí là 6 tháng đầu năm 2024, bởi 4 lý do chính. Thứ nhất là địa chính trị bất ổn trên toàn cầu. Thứ hai là sự giảm tốc của Trung Quốc – nền kinh tế thứ 2 thế giới. Thứ ba là lạm phát bắt nguồn từ Mỹ và các nền kinh tế trọng điểm châu Âu. Thứ tư là suy thoái kinh tế chung toàn cầu, độ phục hồi khá chậm, trong khu vực, sự phân hoá giữa các nước có sự gia tăng và khả năng chịu đựng của nền kinh tế mong manh.

Bà Khanh Nguyễn: Dưới góc độ chủ đầu tư, chúng tôi cho rằng kinh tế vĩ mô có nhiều sự chuyển biến nằm ngoài dự đoán. Từ những chuyển biến bà Bình đã chia sẻ, Gamuda Land đã đánh giá lại danh mục đầu tư của mình tại Malaysia, Anh, Úc, Singapore, Việt Nam. Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với những năm trước nhưng so với khu vực thì vẫn là điểm sáng khi duy trì ở mức cao, do đó đây vẫn là một trong những thị trường Gamuda Land trọng tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Hoạt động M&A trên thế giới năm 2023 chịu những tác động gì?

Bà Khanh Nguyễn: Theo quan sát của chúng tôi, trong khu vực, với bối cảnh thị trường có những đảo chiều về sức mua thì đây là cơ hội để nhà đầu tư đi tìm các dự án có mức giá hợp lý và có dư địa để phát triển.

Ở thị trường Trung Quốc, một số nhà đầu tư trong nước nhận định đây là thời điểm khó khi nhiều công ty đứng trên bờ vực phá sản, nhưng nhà đầu tư các nước trong khu vực lại xác định sẽ vào Trung Quốc để tìm những dự án, công ty có mức giá giảm nhiều và là cơ hội để giải ngân dòng vốn. Ở Gamuda, ngoài việc đầu tư vào Việt Nam, Malaysia, các nước trong khu vực, Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội thông qua hoạt động M&A.

Bà Bình Lê: Hoạt động M&A năm 2023 đang bị chững lại. Vào năm 2022, chúng ta có góc nhìn là thế giới đang đi lên cả về số lượng và giá trị giao dịch, nhưng đến năm nay có sự sụt giảm mạnh mẽ. Cụ thể, giá trị thương vụ giảm 20%, được xem là thấp nhất trong khoảng 20 năm gần đây, còn tổng số lượng thương vụ giảm 8% cho thấy bức tranh phản ánh khá đồng bộ với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ ASART.

Bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ ASART.

Bối cảnh kinh tế Việt Nam năm nay đã ảnh hưởng ra sao đến các doanh nghiệp đầu tư?

Bà Khanh Nguyễn: Đầu năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng đạt 6 - 6,5%, tuy nhiên hiện tại Chính phủ đang có cân nhắc đặt mục tiêu là 5 – 5,5%. Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng trên 5% có thể đạt được. Khi so sánh sự tăng trưởng GDP với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, 5% hay trên 5% vẫn là con số đầy triển vọng với thị trường Việt Nam.

Về chính sách vĩ mô, mục tiêu Nhà nước là điều tiết lạm phát đạt xung quanh 4%, từ đó, các chi phí có thể kiểm soát được. Nhưng những cuộc xung đột gần đây có thể gây áp lực lên lạm phát, trong đó có thể kể đến giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào, nên nếu Nhà nước kiểm soát được những chỉ số này thì đó sẽ là tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi của thị trường bất động sản.

Bà Bình Lê: Chúng tôi đánh giá cao sự đối thoại của Nhà nước, cơ quan chức năng có thẩm quyền với doanh nghiệp nước ngoài cũng như quan tâm khối doanh nhân Việt Nam, đồng thời, cố gắng kiểm soát lạm phát của thị trường Việt Nam. Nhìn lại hơn 10 năm trước, Việt Nam bị áp lực lạm phát hay lãi suất tăng đến hơn 20%, nhưng chúng ta đã làm rất tốt về điều phối chính sách tiền tệ, cũng như áp lực lạm phát đóng góp vào khả năng chịu đựng của nền kinh tế và giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Các nét chính về hoạt động M&A năm 2023 ở Việt Nam như thế nào?

Bà Khanh Nguyễn: Năm 2023, khi mà các nhà đầu tư khó tìm được cơ hội thì Gamuda Land tiếp tục đầu tư vào một dự án ở quận II (TP. HCM), quy mô 2.000 căn hộ, đây là vị trí rất gần trung tâm, giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, doanh thu của dự án khi hoàn thành sẽ vào khoảng 1 tỷ USD. Điều này cũng khẳng định cam kết của Gamuda Land tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Ở nước ngoài, trong năm 2023, Gamuda Land cũng đầu tư vào một toà nhà văn phòng ở Anh với giá trị là hơn 7.000 tỷ đồng (hơn 300 triệu USD). Điều này để chứng minh, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Gamuda Land sẽ tiếp tục quan sát diễn biến thị trường, đánh giá yếu tố vĩ mô, sức cầu của thị trường để tìm những điểm phù hợp và tiếp tục phát triển.

Bà Bình Lê: Nhìn lại quá khứ, đỉnh điểm của M&A Việt Nam là vào giai đoạn 2015 – 2017, khi tổng giá trị giao dịch lên đến mười mấy tỷ USD. Từ năm 2019, do dịch Covid-19 nên tình hình giảm, sau đó, năm 2021, 2022 và 2023 bắt đầu giảm sâu.

Năm 2023 nếu chỉ so với năm 2022 thì tình hình M&A đang có sự tăng trưởng, nhưng so với quy trình dài hơn thì vẫn đang trong xu hướng giảm sâu. Có những năm chúng ta thu hút hoạt động này lên tới hơn 15 tỷ USD, nhưng đến nay, theo ước tính của Asart thì con số này chỉ khoảng 6 tỷ USD.

Khi nói về tổng giá trị thương vụ và tổng số lượng giao dịch, Asart phân tích rất rõ tổng giá trị giao dịch được công bố và tổng giá trị giao dịch không được công bố. Bởi có những thương vụ công bố nhưng không công bố giá trị giao dịch chiếm khá nhiều, khoảng 51 – 52% số lượng thương vụ công bố.

Theo ước tính của Asart, 10 tháng năm 2023, tổng giá trị công bố là 4,3 tỷ USD, số lượng công bố là 51 thương vụ, nhưng tổng giá trị bao gồm chưa công bố sẽ là 5,4 tỷ USD với khoảng 100 giao dịch, trong khi năm 2022 thấp hơn.

Điều này cho chúng ta thấy năm 2023 nhích nhẹ nhưng chưa thoát ra khỏi vùng giảm, và đến 6 tháng đầu năm 2024 mới có thể đề cập đến việc đã thoát ra khỏi vùng giảm chưa hay tiếp tục nối tiếp độ giảm chung của thế giới.

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam.

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam.

Hoạt động M&A của những ngành nào đang nổi lên trong 10 tháng đầu năm nay?

Bà Bình Lê: Những nhóm ngành thuộc top đầu về hoạt động M&A trong 10 tháng đầu năm nay gồm có: tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm), bất động sản, năng lượng, bán lẻ và công nghiệp.

Mảng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ tài chính đứng ở vị trí cao do giá trị thương vụ cao hơn so với các ngành khác. Chỉ cần một thương vụ M&A ngân hàng có thể chiếm đến hơn 1 tỷ USD và đẩy cả ngành lên top, nên giá trị thương vụ đóng góp vai trò rất quan trọng và điều hướng thị trường. Một lý do nữa dẫn đến sự phát triển hấp dẫn của ngành top đầu là mức độ của người tiêu dùng rất lớn.

Bà Khanh Nguyễn có ý kiến gì đối với vị trí thứ 3 của bất động sản trong top đầu về hoạt động M&A?

Điều này nhất quán với việc dòng vốn FDI nhóm bất động sản thuộc hàng top trong tổng vốn FDI vào Việt Nam. Theo đánh giá Gamuda Land, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng như chính sách vĩ mô, quy mô dân số trẻ (hiện tại là hơn 100 triệu dân). Với nguồn cung, chỉ tính thị trường TP.HCM, trong những năm trước, nguồn cung ở khoảng 35.000 – 40.000 sản phẩm nhưng năm 2023 đã thu hẹp một nửa xuống còn 15.000 – 20.000 sản phẩm, trong khi nhu cầu các bạn trẻ muốn có không gian riêng tăng, nên Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục