Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 2,29 điểm (+0,18%), lên 1.284,09 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt 124.049 tỷ đồng, giảm 18,3% so với tuần trước. Một phần nguyên nhân đến từ sự cố từ công ty chứng khoán VnDirect khi mất kết nối với sở giao dịch trong cả 5 phiên.
Tính chung trong cả tháng 3, chỉ số VN-Index tăng hơn 31 điểm, tương ứng tăng 2,5%. Thanh khoản cũng tăng mạnh với tất cả các phiên đều vượt mức 20.000 tỷ đồng, thậm chí phiên ngày 18/3 đạt tới 43.130 tỷ đồng.
Tổng kết quý I/2024, chỉ số VN-Index tăng hơn 154 điểm, từ 1.129,93 điểm lên 1.284,09 điểm, tương đương tăng 13,64%.
Tuần qua, thị trường đón nhận thông tin trong tuần như: FTSE Russell đã công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong nước tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%.
Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Trở lại với thị trường, nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng đã phân hóa mạnh, với TCB (+5,9%), VPB (+5,1%), LPB (+4,46%), NAB (+3,42%), trong khi đó, BID (-3,87%), MSB (-3,32%), NVB (-1,85%) ...
Tương tự là nhóm cổ phiếu bất động sản với VRC (+24,38%), QCG (+23,53%), VPH (+7,48%), NHA (+6,54%), trong khi ở chiều ngược lại FIR (+4,49%), CSC (-3,80%), PXL (-3,45%), CEO (-2,97%) ...
Các cổ phiếu chứng khoán ngoài VND (-5,56%) chịu áp lực bán khá mạnh thanh khoản cao nhất lịch sử trong tuần này khi xảy ra sự cố mất kết nối thì đa số các mã vẫn tăng giá tốt trước những thông tin tích cực như CSI (+6,06%), AGR (+5,69%), TVB (+4,21%), HCM (+3,15%) ...
Trên sàn HOSE, cổ phiếu SVD tuần này là quán quân tăng giá với cả 5 phiên đều tăng kịch trần. Khớp lệnh có sự gia tăng đáng kể so với tuần trước đó, dù phiên cao nhất cũng chỉ có hơn 0,48 triệu đơn vị.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ khác chiếm đa số với những cái tên thuộc ngành bất động sản, nguyên vật liệu như VRC, QCG, HCD, HMC, DHM.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu AGM bị chốt lời sau khi tuần trước là cổ phiếu tăng tốt thứ hai trên sàn với mức tăng hơn 28%.
Trong khi đó, cổ phiếu RDP bị bán khá mạnh và giảm sâu với hai phiên đáng chú ý ngày 25 và 26/3 khi đều giảm sàn, khớp lệnh lần lượt 2,45 triệu và 5,7 triệu đơn vị - phiên cao nhất lịch sử cổ phiếu này.
Đáng chú ý còn xuất hiện cái tên VND, dù chỉ mất hơn 5%, ảnh hưởng bởi hệ thống giao dịch gặp sự cố và trong thông báo mới nhất, VND cho biết giao dịch trở lại bình thường vào ngày thứ Hai đầu tuần sau.
Trên sàn HNX, cổ phiếu HMR có thêm một tuần tăng mạnh với 3 trên 5 phiên tăng kịch trần, sau khi đã tăng hơn 15% trong tuần trước đó. Thanh khoản duy trì trung bình trên dưới 0,2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MCO tiếp tục bị bán chốt lời sau khi mất hơn 14% vào tuần trước. Dù vậy, cổ phiếu này có tín hiệu được dòng tiền đầu cơ trở lại trong phiên cuối tuần khi tăng kịch trần.
Trên UpCoM, các cổ phiếu H11, PIV tuần này nổi bật với liên tiếp những phiên tăng kịch trần, dù thanh khoản chỉ vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh/phiên.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu AAH giao dịch khá sôi động, khớp lệnh trung bình trên dưới 0,3 triệu đơn vị/phiên, ngoại trừ phiên cuối tuần đột biến với hơn 2,26 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, cổ phiếu BQB bị chốt lời sau khi tuần trước tăng hơn 40% với 5 phiên tăng kịch trần từ 15/3 đến 22/3.