Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt xấp xỉ 6,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm

(ĐTCK) Theo số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cụ thể, về vốn đăng ký mới, tính đến cuối tháng 2, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong 2 tháng đầu năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD.

Về vốn điều chỉnh, có 151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, bằng 74,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng trong thời gian này, cả nước có 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 827,3 triệu USD, tăng 52,4% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 16% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,52 triệu USD/ lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của 2 tháng năm 2019 là 5 triệu USD/lượt góp vốn (do trong 2 tháng đầu năm 2019 có trường hợp góp vốn của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD).

Nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD như Dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu vào đầu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019 thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm, chỉ bằng 97,3% và 85,8% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, bên cạnh yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virut Covid-19 gây ra đang diễn biến phức tạp cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn.

Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 195 triệu USD và 180 triệu USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 2 tháng đầu năm, bên cạnh Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) còn có Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh; Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 138 triệu USD; Dự án nhà máy Sews - components Việt Nam (Nhật Bản) với mục tiêu sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô; sản xuất các sản phẩm từ Plastic tại Hưng Yên điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 75,2 triệu USD;. Dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi và thiết bị quang học (Đài Loan) tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 68 triệu USD.

Như vậy, tính lũy kế đến cuối tháng 2, cả nước có 31.344 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 369,28 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 213,38 tỷ USD, bằng 57,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 216,1 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,6 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,7 tỷ USD (chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư).

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng có 20 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,4 triệu USD; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 8,9 triệu USD.

Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 30,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,6 triệu USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 4,2 triệu USD, chiếm 13,8%.

Trong 2 tháng đầu năm có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 19,8 triệu USD, chiếm 65,2%; Campuchia 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 450 nghìn USD, chiếm 1,5%.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục