Tháng 11/2013, tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Kiev, tỷ phú Petro Poroshenko dự đoán Hiệp ước thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sẽ là một khởi đầu mới cho nền kinh tế Ukraine và giúp làm giàu thêm cho Tập đoàn Roshen Confectionery của ông bằng việc nâng cao mức xuất khẩu chocolate sang EU.
18 tháng sau đó, tức là tháng 5/2015, Poroshenko, hiện là Tổng thống Ukraine, đang chứng kiến gia tài của mình nhanh chóng tiêu tán, không như dự tính trước đó của ông.
Kể từ khi đề xuất về thỏa thuận thương mại với EU sụp đổ, kéo theo nền kinh tế Ukraine tụt dốc, tài sản của Poroshenko đã tụt giảm khoảng 30%, xuống còn 720 triệu USD, theo danh sách các tỷ phú của Bloomberg. Sản lượng đầu ra của Roshen từng đạt 400.000 tấn năm 2012, đã giảm đi 25% trong vòng 2 năm sau khi các sản phẩm bị cấm nhập khẩu vào thị trường Nga và quy mô các nhà máy cũng bị thu hẹp.
Việc kinh doanh của Poroshenko “bị phức tạp hóa bởi tình hình chính trị của ông ấy, cũng như những quyết định mà ông buộc phải thực hiện khi là Tổng thống”, Yuriy Yakymenko, nhà phân tích tại Trung tâm Razumkov về kinh tế và chính trị tại Kiev nhận định.
Trong chiến dịch vận động tranh cử vào năm ngoái, Poroshenko hứa rằng sẽ bán đi Roshen, tuy nhiên, ông lại không thể tìm được người mua. Moskalevsky, cổ đông chính tại Roshen từng phát biểu rằng: “Sẽ chẳng bao giờ có khả năng công ty này có thể được bán ở giá 3 tỷ USD trong thời gian này. Mà hiện tại, cũng chẳng ai có thể bán được bất kỳ thứ gì cả”.
Tài sản và công việc của ông Poroshenko bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế Ukraine. Cuộc xung đột tại miền Đông đất nước không chỉ khiến nhiều người thiệt mạng, mà còn nhấn chìm nền kinh tế nước này vào vực sâu của suy thoái, tham nhũng, quản lý yếu kém.
Trợ lý của ông Poroshenko, Boris Lozhkin cho biết: “Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, nhưng nhu cầu trong nước không phải là tệ, mà là rất tệ. Các nhà đầu tư không còn muốn đến đây nữa”.
Tất nhiên, Poroshenko không phải là người duy nhất tại Ukraine phải chứng kiến tài sản của mình dần tiêu tan. Tất cả mọi người, ở mọi tầng lớp tại đất nước này đều bị thiệt hại bởi khủng hoảng kinh tế. Người giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov, chủ sở hữu tập đoàn than đá và sắt thép đang lâm vào tình thế đáng báo động bởi các hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều trục trặc. Theo danh sách tỷ phú của Bloomberg, tài sản của Rinat Akhmetov hiện chỉ còn 7,6 tỷ USD, so với mức 22,4 tỷ USD vào 2 năm trước đó của ông.
Tuy nhiên, Poroshenko là Tổng thống Ukraine và ông đang đưa ra các quyết định làm tổn hại trực tiếp tới công việc kinh doanh của mình. Ông Poroshenko hiện sở hữu một nhà băng, một kênh truyền hình, một công ty bảo hiểm, xưởng đóng tàu và vài tập đoàn nông nghiệp, thực phẩm khác.
Rắc rối lớn nhất mà Poroshenko đang phải đối mặt là nhà máy bánh kẹo của ông tại Lipetsk, thành phố công nghiệp của Nga, chỉ cách Moscow 5 giờ đi ô tô. Trong tháng trước, giới chức Nga đã đóng cửa nhà máy sản xuất bánh kẹo này, với lý do công ty vi phạm quy định về thuế giá trị gia tăng trị giá 180 triệu ruble (3,5 triệu USD).
Hiện ông Poroshenko đang cố gắng bán nhà máy tại Nga, tuy nhiên, nỗ lực của ông đã bị các quan chức địa phương ngăn chặn. Theo một chuyên gia, ông Poroshenko chỉ có thể bán đi tài sản tại Nga nếu nhận được sự chấp thuận của Điện Kremlin.