Phát biểu với các phóng viên trước khi lên chuyên cơ Air Force One ở New Jersey, Tổng thống Trump đã nhắc lại bình luận gần đây của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng Mỹ không nhất thiết cần một ngành công nghiệp dệt may bùng nổ - một lập trường đã bị Hội đồng các tổ chức dệt may quốc gia chỉ trích.
"Chúng tôi không muốn sản xuất giày thể thao và áo phông. Chúng tôi muốn sản xuất thiết bị quân sự. Chúng tôi muốn sản xuất những thứ lớn lao. Chúng tôi muốn sản xuất, thực hiện công nghệ AI… Thành thật mà nói, tôi không muốn sản xuất áo phông. Tôi không muốn sản xuất tất. Chúng tôi có thể làm điều đó rất tốt ở những địa điểm khác. Chúng tôi muốn sản xuất chip, máy tính và nhiều thứ khác, xe tăng và tàu chiến", Tổng thống Trump cho biết.
Trong khi đó, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) đã đáp lại những phát biểu của Tổng thống Trump rằng thuế quan không tốt cho ngành công nghiệp dệt may.
"Với 97% quần áo và giày dép chúng ta mặc được nhập khẩu, và với quần áo và giày dép đã là ngành công nghiệp chịu thuế quan cao nhất tại Mỹ, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp hợp lý có thể thay đổi tình hình…Nhiều mức thuế quan hơn sẽ chỉ có nghĩa là chi phí đầu vào cao hơn cho các nhà sản xuất Mỹ và giá cả cao hơn sẽ gây tổn hại đến người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn", Steve Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) cho biết trong một tuyên bố.
Mặt khác, Tổng thống Trump đã quay trở lại việc đưa ra những quan điểm gay gắt về thương mại khi ông thúc đẩy mức thuế quan 50% đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 1/6 và cảnh báo Apple rằng ông có thể áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả iPhone nhập khẩu vào Mỹ. Nhưng sau đó, Tổng thống Trump đã gia hạn thời hạn áp dụng các mức thuế quan đó cho đến ngày 9/7 để cho phép các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU.